Đak Đoa chú trọng đầu tư hạ tầng thủy lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Đak Đoa đã đầu tư xây dựng, duy tu, sửa chữa nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ giúp người dân sản xuất ổn định. Nhờ đó, đến nay, diện tích cây trồng được hưởng lợi từ  hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn không ngừng mở rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

  Các đơn vị đang thi công đập Ia Mút bằng bê tông cốt thép.                                                 Ảnh: N.D
Các đơn vị đang thi công đập Ia Mút bằng bê tông cốt thép. Ảnh: N.D

Đak Đoa là một trong những địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Ngoài các loại cây công nghiệp có giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, cao su... cây lúa nước cũng được người dân phát triển ổn định. Tuy nhiên, do không có các hồ chứa lớn để tích nước nên những năm qua, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện cùng các xã từng bước khắc phục hạn chế này bằng cách tận dụng nguồn nước từ các con suối nhỏ và nước mạch rỉ thường xuyên để chặn dòng, tạo nên những công trình thủy lợi nhỏ phục vụ người dân sản xuất, giảm tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới vào mỗi vụ sản xuất. Những công trình này cũng giúp mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, tính đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 56 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, phân bổ đều ở các xã, thị trấn phục vụ nguồn nước tưới ổn định cho hàng ngàn ha cây trồng. Nhờ đó, người dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh nâng cao năng suất cây trồng. Hàng năm, huyện đều xuất nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi, vốn hỗ trợ khắc phục hạn hán của tỉnh và vốn thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa… để đầu tư xây dựng mới 3-4 công trình bằng bê tông, rọ đá hoặc hỗ trợ vật tư để đảm bảo nguồn nước tưới  cho người dân sản xuất…

Ông Y Khăm-Phó Trưởng thôn Sao (xã Hà Bầu) cho biết: Nhờ có nguồn nước tưới ổn định, bà con đã mạnh dạn đầu tư sản xuất. Hiện nay, bà con trong làng đang rất phấn khởi khi đập Ia Mút được thi công để giữ nước phục vụ tưới cho cây lúa và các cây công nghiệp khác. Mọi người đang hy vọng công trình hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả, giúp bà con sản xuất ổn định, không lo bị thiếu nước tưới nữa.

Bà Planh-cán bộ địa chính-nông nghiệp xã Hà Bầu cho hay: Xuất phát từ  nhu cầu thực tế và nguyện vọng của người dân tại làng Sao về phát triển cây lúa nước và tưới tiêu cho cây cà phê, vài năm trở lại đây, các công trình thủy lợi trên địa bàn xã được huyện đầu tư xây dựng. Các công trình này đều phát huy hiệu quả, góp phần giúp bà con sản xuất nông nghiệp ổn định, từng bước nâng cao năng suất cây trồng.

Ông Phạm Cường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết: Huyện xác định đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ là một trong những giải pháp tối ưu để phát triển cây trồng ổn định. Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, huyện không ngừng đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi giúp người dân phát triển sản xuất. Theo đó, mỗi năm, từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi của huyện, huyện sẽ quyết định đầu tư xây mới một số công trình. Trong năm 2016, huyện đã xây dựng 4 công trình. Năm nay, huyện tiếp tục đầu tư cho xây dựng thêm 3 công trình gồm Đak Kơl 1 (xã Trang), Ia Mút (Hà Bầu) và thủy lợi Ayun (Ia Pết)… Hầu hết các công trình đều phát huy hiệu quả góp phần mang lại những vụ mùa bội thu cho người dân.   

 Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.