Chư Sê: Điêu đứng vì bí đao đầu tư mà không mua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù đã vào vụ thu hoạch được hơn một tháng nhưng khoảng 20 ha bí đao xanh giống Đài Loan của một số hộ nông dân tại xã Ia Glai (huyện Chư Sê) vẫn phải phơi mình ngoài ruộng. Gần 250/500 tấn bí đao bắt đầu thối rữa do hứng chịu những cơn mưa.

Bí đao cho quả… đắng

Ruộng bí đao xanh giống Đài Loan của gia đình ông Nguyễn Văn Bát (thôn Nông Trường, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) rộng khoảng 3,5 ha. Đó là phần đất do gia đình ông Bát thuê trồng xen trong vườn cao su tái canh nằm dọc theo quốc lộ 14 của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê với giá 700.000 đồng/ha/6 tháng. Khi chúng tôi đến, gia đình ông Bát đang thuê 5 nhân công cắt từng quả bí đao nặng 10-15 kg xếp lên bờ cao để công nhân làm cỏ chuẩn bị bón phân cho cây cao su. Những quả bí đao nằm la liệt, bắt đầu bị thối rữa.
 

Hàng trăm tấn bí đao nằm phơi ngoài ruộng vì không có ai thu mua. Ảnh: P.L
Hàng trăm tấn bí đao nằm phơi ngoài ruộng vì không có ai thu mua. Ảnh: P.L

Ông Bát ngán ngẩm cho biết: “Đầu năm 2017, một người phụ nữ xưng là Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Khang Cao Nguyên đến gặp chúng tôi đặt vấn đề đầu tư trồng giống bí đao Đài Loan. Công ty cho nông dân ứng hạt giống với trị giá 7 triệu đồng/ha, 50% phân bón, đồng thời hứa hẹn sẽ bao trọn gói đầu ra với giá 5.000-5.500 đồng/kg nếu bí đáp ứng tiêu chuẩn của họ. Với sản lượng dự tính hơn 60 tấn/ha, chúng tôi cảm thấy có triển vọng nên đồng ý ký hợp đồng trồng bí với công ty. Thế nhưng, đến ngày 18-4, chúng tôi gọi điện cho công ty để xuống thu hoạch thì Giám đốc báo bận. Từ ngày 20-4 đến nay, chúng tôi không liên lạc được nữa”.

Để trồng bí đao, ngoài tiền thuê đất, mỗi gia đình đã phải đầu tư khoảng 40 triệu đồng/ha tiền thuê cày đất, trải bạt, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, công chăm sóc, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (các gia đình tự nguyện đầu tư phân bón vì cho rằng sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với phân bón của công ty cung ứng). Tuy nhiên, khi bí đã đạt trọng lượng 10-15 kg/quả, cho sản lượng khoảng 30-40 tấn/ha, bắt đầu cho thu hoạch thì phía Công ty cổ phần An Phú Khang Cao Nguyên bỗng “bặt vô âm tín” khiến hàng trăm tấn bí đao nằm phơi mình ngoài ruộng. “Từ khi không liên lạc được với công ty thì chúng tôi rất nản, không đầu tư cho ruộng bí nhiều nữa. Bây giờ nhìn đống bí này cũng không biết làm sao. Không bán được, cũng không đem về nhà chứa được, đành để thối làm phân cho cao su thôi. Không thu được đồng nào mà giờ còn phải thuê công dọn dẹp”-ông Bát thở dài.

Bài học về sự cả tin

Là một trong hơn 10 hộ dân ở xã Ia Glai đặt nhầm niềm tin vào hợp đồng trồng bí đao với Công ty cổ phần An Phú Khang Cao Nguyên, ông Trần Khắc Liêm (thôn Nông Trường) cho biết: “Sau khi xem lại hợp đồng “Hợp tác đầu tư sản xuất và thu mua quả bí xanh giống Đài Loan” mà chúng tôi đã ký với Công ty cổ phần An Phú Khang Cao Nguyên mới thấy người nông dân hoàn toàn chịu thiệt. Trong hợp đồng có ghi rất rõ điều kiện ràng buộc người trồng tuyệt đối không được bán quả bí nào ra thị trường, nếu bán bị phát hiện thì người nông dân phải bồi thường gấp 10 lần giá mà công ty mua vào. Thế nhưng, trong hợp đồng tuyệt nhiên không có một điều khoản nào ghi trách nhiệm hay cách xử lý nếu công ty không đến thu mua như đã ký kết. Các điều kiện đều gây bất lợi cho người trồng”. Ông Bát chua chát: “Mình đã quá tin tưởng vào nhà đầu tư. Không ai nghĩ họ đem giống đến đầu tư, chưa thu của mình một đồng nào mà cuối cùng lại không đến thu mua như đã hứa. Qua việc này, bà con nông dân sẽ rút kinh nghiệm khi ký kết với nhà đầu tư khác”.

Theo hợp đồng “Hợp tác đầu tư sản xuất và thu mua quả bí xanh giống Đài Loan” mà Công ty cổ phần An Phú Khang Cao Nguyên ký kết với người dân thôn Nông Trường (xã Ia Glai, huyện Chư Sê), chúng tôi tìm tới địa chỉ của công ty được ghi trong hợp đồng tại số 127 đường Lý Thường Kiệt, TP. Pleiku thì không thấy tên của Công ty cổ phần An Phú Khang Cao Nguyên mà là Nhà phân phối Long Bình (chuyên cung cấp các sản phẩm dầu nhờn). Liên lạc theo số điện thoại 0983.348.xxx của cơ sở Long Bình, đồng thời là số điện thoại được ghi trong hợp đồng, chúng tôi gặp người đàn ông tên Đỗ Văn Bình. Ông Bình cho biết trước đây mình là nhân viên lái xe kiêm kỹ thuật của Công ty cổ phần An Phú Khang Cao Nguyên và hiện là chủ cơ sở phân phối Long Bình. Ông Bình xác nhận Công ty cổ phần An Phú Khang Cao Nguyên không còn đóng tại địa chỉ 127 Lý Thường Kiệt (TP. Pleiku) nữa và không biết đã chuyển đi đâu.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, cho biết: “Cây bí đao không nằm trong quy hoạch phát triển nông nghiệp của huyện Chư Sê. Việc trồng bí đao giống Đài Loan của một số hộ dân ở xã Ia Glai hoàn toàn là tự phát, do người dân tự hợp đồng với công ty đầu tư, tự thuê đất trồng, chăm sóc và cũng không báo cáo với địa phương hay cơ quan chức năng nên rất khó quản lý. Việc công ty đầu tư không đến thu mua như hợp đồng ký kết khiến hàng trăm tấn bí phải nằm chờ hỏng, chúng tôi đã ghi nhận và sẽ tìm cách tháo gỡ. Qua đây, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cũng khuyến cáo người dân nên trồng những loại cây nằm trong quy hoạch, được nhân dân tiêu thụ thường xuyên, không nên ồ ạt trồng các loại cây mới, lạ. Người nông dân cũng cần tìm hiểu kỹ hơn, cụ thể hơn về đơn vị đầu tư, phải có nhiều điều khoản ràng buộc hơn nữa. Bên cạnh đó, khi ký kết cần báo cho chính quyền địa phương kiểm tra mức độ tin cậy của đơn vị đầu tư để đảm bảo quyền lợi cho nông dân”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.