Nóng thị trường bất động sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thị trường bất động sản thời gian gần đây đã nóng lên thấy rõ. Giá đất tại các khu vực trên địa bàn TP. Pleiku tăng chóng mặt. Điều này xuất phát từ việc ấm lên của thị trường bất động sản các thành phố lớn và xuất phát từ “chiêu trò” của giới đầu cơ khi đẩy giá đất cao hơn giá trị thực.

Thi nhau đội giá

Tại TP. Pleiku, cách đây 4 tháng, một lô đất trên đường Nguyễn Tất Thành có giá khoảng 10 tỷ đồng thì giờ đã đội lên 14 tỷ đồng. Ngay cả đường Phan Kế Bính, cách đây chừng 1 năm, mảnh đất có giá khoảng 850 triệu đồng nay tăng lên 1,5 tỷ đồng. Hay ở đường Cách Mạng Tháng Tám, trước đây căn nhà 2 tầng bán giá 1,2 tỷ đồng thì nay chỉ bán đất thôi giá đã đội lên 1,5 tỷ đồng. Những mảnh đất tại đường Cách Mạng Tháng Tám cách đây 1-2 năm, ngân hàng chưa bao giờ định giá quá 500 triệu đồng/mét ngang, nhưng nay có đoạn giá đã đội lên tới 1 tỷ đồng/mét.

 

Một góc TP. Pleiku.   Ảnh: Đức Thụy
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Lâu nay tại Gia Lai, giá bất động sản xê dịch không đáng kể. Tuy nhiên, thời điểm này, giá bất động sản tăng cực mạnh. Có mảnh đất 10 năm giá không xê dịch nhưng nay đã có thể chênh lệch cả trăm triệu đồng. Khu vực kè suối Hội Phú, khi làm công tác đền bù, giá chỉ 500-600 triệu đồng, nhưng hiện đã bán lên tới trên 1 tỷ đồng/lô, thậm chí có lô giá tới 2,2 tỷ đồng. Đường Nguyễn Lương Bằng nằm tại khu này. Sau khi đường được thảm nhựa, năm 2015, 1 lô giá 1,5 tỷ đồng là cao nhất, xây nhà khoảng 1,6 tỷ đồng nữa là 3,1 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện nay có người trả đến 4,2 tỷ đồng mà chủ nhà chưa muốn bán.

Nguyên nhân sự nóng lên của bất động sản đầu tiên là do ảnh hưởng ít nhiều của thị trường bất động sản ở các thành phố lớn. Tuy vậy, nguyên nhân chính là do đội ngũ đầu cơ, cò mồi đang cố tình đẩy giá tạo “sóng”. Mua một mảnh đất để sau thời gian ngắn bán lại đã có thể lãi mấy trăm triệu đồng nên nhiều người bắt đầu hăm hở “bước” vào lãnh địa bất động sản. T., một cò đất tay ngang thổ lộ: “Vốn ban đầu của em chỉ có hơn trăm triệu đồng, em hùn với bạn mua miếng đất hẻm gần Bến xe Đức Long. Trên đất có căn nhà đã rất cũ nên chủ coi như chỉ bán đất. Em sửa sang lại nhà như mới rồi bán. Sau phi vụ này, em lãi được 50 triệu đồng. Từ phi vụ đầu tiên, cũng với cách thức như vậy, em đã bán thêm được vài căn nữa nên giờ em cũng đã có ít vốn rồi. Bây giờ, giá đất ở đường nào cũng tăng nên em lựa mảnh nào dễ bán để mua lại. Sau đó, em thế chấp ngân hàng rồi mua tiếp mảnh khác bán kiếm lời. Ai lanh thì dễ kiếm tiền từ đất lắm”.

Tiềm ẩn rủi ro

Rõ ràng, bất động sản đang là kênh đầu tư hấp dẫn. Song theo nhận định của một số người, có cảm giác đang xuất hiện đội ngũ đa-cấp-bất-động-sản, tức là thấy bất động sản có lãi, người này mua và bán lại để ăn chênh lệch. Mảnh đất ấy lại được bán cho người khác với giá cao hơn, cứ thế khiến giá đất bị đẩy lên cao hơn giá trị thực. Những người có nhu cầu thật thì rõ ràng bị hớ, còn nếu là người mua với mục đích bán kiếm lời thì có khả năng “ôm hận” khi không tìm được khách hàng và sẽ càng “chết” nếu là tiền đi vay.

Ông Lý Anh Đào-Giám đốc Ngân hàng SHB-Chi nhánh Gia Lai cho biết: “Với tình hình bất động sản như hiện nay, ngân hàng rất khó định giá tài sản để đảm bảo thanh khoản, bởi giá bất động sản đang bị đẩy lên cao hơn nhiều so với giá thực. Nếu không định giá theo thị trường thì khách hàng không hợp tác, còn theo giá thị trường thì ngân hàng rất lo. Hiện SHB giải quyết cho vay những mảnh đất có khả năng thanh khoản cao, vị trí tốt, giá trị vừa phải để dễ phát mãi nếu trường hợp khách hàng không trả được nợ vay”. Tuy nhiên, ông Đào nhận định, việc nóng quá mức của thị trường này rất dễ dẫn đến rủi ro cho người “ôm” đất, khi bất động sản tăng lên từng ngày. Đến một ngày nào đó, khi giá bị đẩy lên đến đỉnh thì sẽ đóng băng và rớt giá.

Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (76/1 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) thì cho rằng: “Tôi làm việc ở lĩnh vực ít nhiều liên quan tới bất động sản nên cảm nhận rõ bất động sản ở Gia Lai đang bị bơm căng từng ngày. Theo tôi, mọi người không nên đầu tư bằng tiền vay ngân hàng. Bạn tôi từng chuốc lấy bài học đau đớn khi say sưa đầu tư vào bất động sản những năm 2007-2008 với vốn tự có 50%, 50% còn lại vay ngân hàng, lãi suất 9-10% năm. Sau đó, lãi suất ngân hàng tăng lên, trong khi bất động sản lại bắt đầu đóng băng. Trong 3 năm liền, lãi suất ngân hàng đã “ăn” hết 50-60% vốn. Tất nhiên sau đó, bạn tôi trắng tay.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.