Kỳ 1: Ôm nợ vì… tiêu chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hồ tiêu là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, lâu nay người dân đã và đang đánh cược với loại cây được mệnh danh là “vàng đen” này. Bởi lẽ, họ phải tự bơi trước vô vàn hiểm họa: nguồn gốc cây giống trôi nổi, mang nhiều mầm bệnh; phân bón, vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng; trồng và chăm sóc theo kiểu tự phát… Có người chỉ phút chốc từ tỷ phú bỗng thành trắng tay, nợ nần chồng chất. Vậy đâu là lối ra cho người nông dân?

Nhiều năm nay, cùng với Chư Sê, huyện Chư Pưh cũng được mệnh danh là thủ phủ của cây hồ tiêu. Giá loại nông sản này ổn định ở mức cao trong thời gian dài đã biến nhiều người trồng tiêu nơi đây trở thành tỷ phú nông dân. Tuy nhiên, việc nhiều diện tích hồ tiêu bị chết đột ngột, chết trắng hàng loạt đã đẩy người dân xa dần “giấc mơ tỷ phú” khi phải đối mặt với cảnh nợ nần chồng chất.

Hoang mang vì tiêu chết

Con đường đất đỏ dẫn vào thôn Phú Bình (xã Ia Le) khá gập ghềnh. Dọc 2 bên đường là hình ảnh các vườn tiêu xác xơ, những dây tiêu cháy đen dính chặt vào thân trụ. Mênh mông những vườn tiêu bạt ngàn đã không còn màu xanh, phần lớn là mảng xám u ám của vườn tiêu trụi lá và nỗi lo các khoản nợ vay đến hạn.

Bắt đầu tham gia trồng hồ tiêu từ năm 1997, anh Trần Bá Chiến chưa bao giờ gặp “đại nạn” như thế này. Chỉ mới năm ngoái, bất kể ai đi ngang vườn tiêu của anh đều dừng lại khen lấy, khen để. Chính anh cũng nghĩ vậy sau khi thu bói được gần 500 kg. Anh chắc mẩm năm nay sẽ bội thu. Thế nhưng, đùng một cái, vườn tiêu của anh đột ngột vàng lá rồi chết trắng hơn 400 trụ, số còn lại cũng chết quá nửa, mặc dù được anh cật lực cứu chữa bằng mọi cách. “Hết xử lý bồn, xử lý đất, rồi rải vôi, sục rễ; nào là ủ cá làm phân, mua bánh dầu phụng, mật đường dội vào… nhưng sang năm chắc cũng múc đi”-anh Chiến chua xót nói.

 

Vườn tiêu của ông Lê Văn Láng (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) bị chết rụi. Ảnh: M.T
Vườn tiêu của ông Lê Văn Láng (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) bị chết rụi. Ảnh: M.T

Năm 2013, vườn tiêu của ông Lê Văn Láng (cùng thôn) được mọi người nhận xét là “đẹp nhất vùng” cũng đột ngột chết sạch. Ban đầu, ông phát hiện có khoảng 20 trụ vàng lá, rồi lụi dần. Chỉ trong vòng 20 ngày, 1.300 trụ tiêu sắp đến thời kỳ thu hoạch cũng chết trơ trụi, khiến ông Láng chẳng kịp trở tay. Kiến thức về nông nghiệp của người từng làm cán bộ khuyến nông cũng chẳng giúp ông giải cứu được vườn tiêu của mình. Vượt lên thất bại cay đắng, năm 2015, ông Láng tiếp tục đầu tư trồng lại hơn 800 trụ tiêu. Thế nhưng, kiếp nạn tiêu chết vẫn cứ mãi là nỗi ám ảnh đối với ông khi cả vườn tiêu hiện nay lại tiếp tục có hiện tượng tiêu điên. Đi giữa vườn tiêu chỉ còn trơ cọc, ruột gan ông Láng rối bời. Người nông dân có vóc dáng nhỏ nhắn bước liêu xiêu giữa những đám cỏ mọc quá người, bên những trụ tiêu cháy khô, xác xơ càng làm tăng sự ảm đạm, đầy trắc trở của một đời người trót đã gắn số phận mình với cây “vàng đen”.

Trong khi đó, cạnh vườn ông Láng, ông Lê Ngọc Dũng đang thuê người đào lại hố để tiếp tục dựng trụ trồng lại phần diện tích gần 500 trụ tiêu đã chết. Ông Tống Văn Tuấn cũng bất lực nhìn vườn tiêu hơn 1.000 trụ đang chết gần như hoàn toàn mà không có cách gì cứu chữa. Theo ông Lê Văn Túc-Trưởng thôn Phú Bình, trong thôn có 480 hộ thì có đến 99% hộ trồng tiêu. Hầu như hộ nào cũng bị ảnh hưởng, chết ít, chết nhiều thậm chí chết hoàn toàn. Nhiều hộ trồng tiêu đang rất hoang mang, hụt hẫng mà chưa tìm ra đáp án cho bài toán tiêu chết. Chỉ mới hôm qua, có nhà thu hơn chục tấn tiêu, hiển nhiên trở thành tỷ phú. Giờ cũng vườn tiêu đó, họ chỉ thu chưa đầy tấn, có hộ thì cũng chỉ thu được vài ba tạ trên những cây tiêu không còn sức sống.

Nợ nần chồng chất

 

Người dân đào hố trồng lại tiêu ngay trên mảnh đất vừa có tiêu chết.      Ảnh: M.T
Người dân đào hố trồng lại tiêu ngay trên mảnh đất vừa có tiêu chết. Ảnh: M.T
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, tính đến cuối năm 2016, diện tích hồ tiêu toàn huyện là 2.888 ha. Từ năm 2013 đến hết tháng 2-2017, diện tích hồ tiêu chết do bệnh chết nhanh, chết chậm, già cỗi và bị hạn không thể phục hồi là trên 312 ha.

Khi giá tiêu ở mức cao, sau những mùa vụ bội thu, nhiều ngôi nhà tiền tỷ đua nhau mọc lên, ô tô, xe máy đắt tiền cũng được người nông dân lựa chọn “rinh” về nhà. Tuy nhiên, niềm vui chỉ mới đó, phút chốc họ lại trắng tay khi vườn tiêu lăn đùng ra chết. Chi phí đầu tư trồng tiêu khá lớn, tiền mua giống, mua trụ, cải tạo 1 ha vườn trong năm đầu tiêu tốn đến hơn nửa tỷ đồng, nếu tiêu phát triển tốt thì phải mất 3 năm sau mới cho thu hoạch. Chi phí này chủ yếu là vay mượn, nhiều hộ dân lâm vào cảnh điêu đứng khi vườn tiêu sắp đến thời kỳ cho thu hoạch lại “đột tử”… Bao mồ hôi, công sức, tiền của mấy năm trời bỗng chốc tiêu tan.

Trưởng thôn Lê Văn Túc xác nhận, một số hộ trồng tiêu vì khoản nợ vay này mà phải bỏ đi xứ khác làm ăn để kiếm tiền trả nợ; có hộ đã bị cơ quan thi hành án niêm phong tài sản, chờ bán đấu giá trả nợ ngân hàng. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn H. vay ngân hàng hơn 700 triệu đồng phải bỏ nhà sang tỉnh Đak Nông trốn nợ  và tiếp tục… trồng tiêu với hy vọng trả được số nợ đã vay. Hay gia đình ông Nguyễn Văn Q. bị cơ quan thi hành án niêm phong nhà cửa, phong tỏa tài sản chờ bán đấu giá trả khoản nợ vay ngân hàng hơn 700 triệu đồng…

Cùng thời điểm này, đi dọc tuyến đường chính dẫn vào trung tâm xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh), chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều vườn tiêu hai bên đường chết khô, xơ xác. Nhiều ngôi nhà khang trang trong xã đã phải cửa đóng, then cài trong khi chủ nhân của nó đi mưu sinh nơi khác vì nợ nần. Những người ở lại lúc nào cũng canh cánh với những khoản vay ngân hàng sắp đáo hạn. Đơn cử, nhờ vào 4.000 trụ tiêu, gia đình bà Nguyễn Thị Vân (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) xây được ngôi nhà trị giá hơn 1,7 tỷ đồng. Thế nhưng, nhà vừa xây xong cũng là lúc vườn tiêu đồng loạt trụi lá, chết cả vườn. “Dự tính mùa vụ năm nay tôi vừa trả hết số tiền nợ hơn 500 triệu đồng, vừa có được căn nhà to… Nào ngờ”-bà Vân nghẹn lời. Giờ để có tiền trả lãi ngân hàng, bà Vân buộc phải nhắm mắt nhổ dần trụ tiêu để bán.

Trao đổi với P.V, ông Lê Quang Vang-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ xác nhận: Tiêu chết ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trong xã. Nhiều hộ dựa vào hồ tiêu vay vốn xây nhà giờ vỡ nợ, có người bán nhà, bán đất, có nhà bỏ đi làm ăn xa. Không còn nguồn trả nợ, trả lãi ngân hàng phải nhổ trụ bán. “Thậm chí, một số hộ dân trong xã còn vay nóng bên ngoài để trả nợ ngân hàng. Do không có tiền trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, có gia đình phải bỏ trốn biệt xứ để tránh sự truy tìm của chủ nợ”-ông Vang nói.

 Minh Nguyễn

-------------
Kỳ 2: Đi tìm nguyên nhân

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.