Sôi động Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, hoạt động biên mậu tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trở nên sôi động khi lượng hàng mì lát đang vào mùa cao điểm tấp nập đổ về từ Campuchia. Ước tính mỗi ngày có trên 2.000 tấn mì được thông quan, so với cùng kỳ những năm trước thì lượng hàng nhập năm nay cao hơn rất nhiều. Điều này cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động giao thương giữa 2 bên.
 

Xe chở mì tập kết tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.                                            Ảnh: S.C
Xe chở mì tập kết tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: S.C

Với kinh nghiệm của một người làm ăn hơn 20 năm ở khu vực cửa khẩu, ông Nguyễn Trọng Điểm-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng, cho biết: Hiện đang là mùa thu hoạch nông sản của Campuchia. Ngay từ  tháng 10-2016, lượng hàng đậu nành, mè đen từ phía bạn Campuchia xuất sang cửa khẩu tăng cao hơn mọi năm. Do năm trước mùa mưa kết thúc trễ nên hiện nay đang là mùa cao điểm thu mua mặt hàng mì lát, bình quân mỗi ngày điểm thu mua của Công ty nhập 300-400 tấn, tăng hơn 100 tấn/ngày so với mọi năm, giá xuất tại cảng Quy Nhơn là 3.300 đồng/kg. Với lượng hàng nhập-xuất rất lớn mỗi ngày, Công ty phải huy động 30 nhân công để bốc dỡ hàng cho kịp chuyến. Để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Hải quan, Biên phòng đã linh động mở cửa khẩu sớm hơn-đóng cửa khẩu muộn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa, phương tiện qua lại cửa khẩu.

Dòng chảy nông sản dồi dào không chỉ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp mà còn tạo việc làm cho lực lượng lao động phổ thông. Ước tính có khoảng 1.200 lao động làm việc bốc xếp nông sản tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, thu nhập bình quân 700 ngàn đồng-1 triệu đồng/ngày. Bên cạnh đó, các hàng quán, dịch vụ ăn uống phục vụ đội ngũ lái xe, thương nhân, lao động tại đây cũng hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Chị Nguyễn Thị Thìn-chủ một quán phở cho biết: “Ở cửa khẩu hiện nay có tới mười mấy người bán quán ăn. Riêng quán tôi chỉ bán phở buổi sáng. Khi chưa vào mùa thu nông sản, tôi bán khoảng 80 tô/ngày, hiện nay bán 150-160 tô, thu nhập tăng đáng kể”.

Theo sát những diễn biến tích cực từ hoạt động thương mại biên giới, ông Phạm Văn Binh-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, kiêm Trưởng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhìn nhận: Ngay từ đầu năm 2017, hoạt động giao thương tại khu vực cửa khẩu đã chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp lớn kinh doanh nông sản như Phú Lợi, Trang Đức đã tổ chức thu mua với các doanh nghiệp tại chỗ, không để xảy ra tình trạng ứ đọng hàng hóa, giá cả lại hợp lý. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện nên việc luân chuyển hàng hóa thuận lợi. Với lượng hàng hóa dồi dào như năm nay thì hoạt động thương mại tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh sẽ có bước tiến mới trong thời gian không xa.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.