Phú Thiện: Triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mía lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phú Thiện là một trong những huyện có diện tích mía tương đối lớn, tuy nhiên lâu nay người dân chủ yếu sản xuất theo phương thức thủ công, nhỏ lẻ, manh mún, nên năng suất, chất lượng không cao, lợi nhuận thu được đạt thấp. Để nâng hiệu quả cho người trồng mía, một trong những giải pháp đang được ngành chức năng và người dân trên địa bàn tập trung thực hiện đó là triển khai thí điểm cánh đồng mía lớn.

Ảnh: Quang Tấn
Ảnh: Quang Tấn

Với mong muốn đẩy nhanh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây mía, nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần tạo sinh kế ổn định, bền vững cho người trồng mía, năm 2017 huyện Phú Thiện đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mía lớn trên địa bàn. Theo đó, trong vụ Đông Xuân năm nay, huyện đã phối hợp triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mía lớn trên diện tích 30 ha tại địa bàn xã Chrôh Pơnan.

Với thế mạnh có diện tích đất rộng lớn, màu mỡ, chủ yếu nằm dọc hệ thống kênh thủy lợi, xã Chrôh Pơ Nan được huyện Phú Thiện chọn để thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng mía lớn đầu tiên tại địa bàn.

Ưu điểm của mô hình này chính là việc áp dụng cơ giới hóa hoàn toàn từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc cho đến khâu thu hoạch, không tốn nhiều công lao động mà năng suất, sản lượng lại tăng so với phương thức sản xuất trước đây, dẫn đến thu nhập cũng tăng lên. Đồng thời, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường từ việc đốt lá mía, vì tất cả các phụ phẩm trong quá trình thu hoạch đều được máy trộn vào đất để làm phân bón cho vụ mía sau. Các hộ dân được hỗ trợ về vốn, giống, máy móc thu hoạch, hệ thống máy bơm tưới mía, đặc biệt, phía Công ty sẽ chia sẻ những rủi ro về giá, về thiên tai nếu có xảy ra cho các hộ dân tham gia mô hình cánh đồng mía lớn.

Là người có thâm niên hơn 10 năm trồng mía, sau khi được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật cũng như tìm hiểu kết quả từ cánh đồng mía lớn tại các huyện Đak Pơ, Ia Pa thì gia đình ông Bùi Quang Khải (trú tại thôn Yên Phú 2A, xã Chrôh Pơnan) đã tiên phong đăng ký tham gia mô hình cánh đồng mía lớn.

Ông Bùi Quang Khải, cho biết: “Qua các buổi tham quan và tập huấn kỹ thuật, tôi thấy mô hình cánh đồng mía lớn mạng lại nhiều lợi ích, không những giảm bớt công lao động mà năng suất, chất lượng mía tăng lên đáng kể so với phương thức trồng trước đây”.

Tương tự, hơn 5 ha mía nằm dọc kênh chính Nam đi qua địa bàn xã Chrôh Pơnan rất thuận tiện để gia đình ông Trần Văn Quang (thôn Sô Ma Biơng) tham gia cánh đồng mía lớn. “Chúng tôi chỉ có mong muốn làm sao kết hợp khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất để làm sao cho năng suất, chất lượng tăng lên, góp phần tăng thu nhập cho người trồng mía.

Ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch UBND xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện, cho biết: “Xây dựng cánh đồng mía lớn là chủ trương lớn của tỉnh, trên cơ sở đó được sự quan tâm chỉ đạo của huyện thì xã đã chủ động phối hợp với các ban ngành đoàn thể của xã, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai, chủ động tuyên truyền vận động bà con nhân dân tham gia mô hình cánh đồng mía lớn. Đến nay, cánh đồng mía lớn với diện tích trên 30 ha của 20 hộ dân trên địa bàn đã hoàn thành việc xuống giống, người dân đang tập trung chăm sóc, tưới nước cho mía. Trong thời gian tới, xã sẽ phấn đấu hàng năm mở thêm 30 đến 50 ha trên một mô hình”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, cho biết: “Việc triển khai xây dựng cánh đồng mía lớn là một trong những giải pháp lớn của huyện trong việc tái cơ cấu đối với ngành nông nghiệp, góp phần đem lại hiệu quả trong sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Với sự tham gia tích cực của người dân cùng với sự chỉ đạo vào cuộc của hệ thống chính trị, thì đến thời điểm hiện tại các xã trên địa bàn đã tích cực triển khai theo tiến độ của huyện đề ra”.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.