Kbang: Tập trung phòng-chống cháy mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để hạn chế thiệt hại cho người trồng mía trong điều kiện thời tiết hanh khô như hiện nay, ngành chức năng huyện Kbang, chính quyền địa phương và người dân cần tập trung triển khai các biện pháp phòng-chống cháy mía trên địa bàn.

Cần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía để đề phòng cháy mía có thể xảy ra. Ảnh: Q.T
Cần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía để đề phòng cháy mía có thể xảy ra. Ảnh: Q.T

Theo báo cáo, đến thời điểm này toàn huyện Kbang mới chỉ thu hoạch được khoảng 2.500/10.500 ha mía, chiếm trên 20% tổng diện tích, so với cùng thời điểm năm ngoái thì tiến độ thu hoạch chậm khoảng hơn 1 tháng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng của mưa lũ cuối năm ngoái đã làm cho đường sá bị hư hỏng, đặc biệt là các tuyến đường dẫn vào khu sản xuất gây khó khăn trong vận chuyển dẫn đến tiến độ thu hoạch mía niên vụ năm 2016-2017 trên địa bàn huyện Kbang chậm so với cùng kỳ các năm trước.

Trong khi đó, thời gian sau Tết, thời tiết trên địa bàn huyện Kbang nắng nóng, khô hanh kéo dài nên nhiều ruộng mía, nhất là những diện tích ở khu vực cao, lá mía đã khô rất dễ xảy ra cháy nếu bất cẩn.

Điển hình như, vào cuối tháng 1 vừa qua, trên địa bàn xã Đak Hlơ cũng đã xảy ra 1 vụ cháy mía, rất may vụ cháy không gây thiệt hại lớn vì được người dân phát hiện và dập tắt kịp thời. “Lúc đó là khoảng 1 giờ chiều, tôi đang ở nhà thì thấy ngọn lửa bùng lên mới hô hào mọi người dùng bình xịt, các dụng cụ khác để cùng dập tắt đám cháy, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ sau thì đám cháy mới được dập tắt”-anh Vũ Văn Chương (thôn 5, xã Đak Hlơ)-một trong bốn 4 hộ dân bị cháy mía, nhớ lại.  

Vụ cháy đã gây thiệt hại hơn 1 ha mía của 4 hộ dân. Nguyên nhân dẫn đến vụ cháy mía trên là do người dân bất cẩn trong quá trình đốt dọn ruộng mía đã thu hoạch để lửa cháy lan sang đám mía bên cạnh. Sau khi vụ cháy mía xảy ra, chính quyền địa phương cũng đã tập trung khắc phục, đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân cần tuân thủ nghiêm những quy trình trong quá trình đốt, dọn rẫy mía.

Theo ông Tô Hoài Phương-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ, huyện Kbang cho biết: “Sau khi xảy ra cháy mía, UBND xã đã làm việc với Nhà máy Đường An Khê để thu mua số lượng mía cháy cho bà con. Đồng thời, xã cũng tuyên truyền, vận động toàn thể bà con nhân dân trên địa bàn khi đốt rác mía phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, không để xảy ra cháy mía như vừa qua. Khuyến cáo người dân khi đốt mía phải làm bờ ranh cách xa, phải có đông người khi tiến hành đốt và phải đốt vào ban đêm”.

 

Ưu tiên thu mua mía cháy cho bà con nhằm giảm bớt thiệt hại. Ảnh: Q.T
Ưu tiên thu mua mía cháy cho bà con nhằm giảm bớt thiệt hại. Ảnh: Q.T

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hanh như hiện nay, huyện Kbang đang chỉ đạo cho ngành chuyên môn cùng các địa phương phối hợp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía để hạn chế rủi ro do cháy mía và tập trung cao độ cho công tác phòng-chống cháy mía.

Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, cho biết: “Ngay từ đầu vụ huyện đã làm việc với Nhà máy Đường An Khê và các địa phương để chỉ đạo tăng cường công tác phòng-chống cháy mía. Cùng với đó, huyện cũng đề nghị phía Nhà máy Đường ưu tiên thu hoạch đối với những diện tích mía ở những chân ruộng cao, ở những gò đồi có nguy cơ xảy ra cháy mía cao, đối với những diện tích xảy ra cháy mía thì ưu tiên phát phiếu thu mua sớm diện tích bị cháy để hạn chế thiệt hại cho bà con”.

Cùng với giải pháp mà ngành chuyên môn và các địa phương triển khai thì người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ nghiêm những quy định trong quá trình đốt dọn ruộng mía. Người dâm chỉ nên đốt, dọn rẫy mía vào thời điểm chiều tối, khi trời đã dịu nắng và cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy mía gây ra.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.