Gia Lai chủ động phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành trong cả nước, mới đây, UBND tỉnh Gia Lai có Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc, kịp thời công tác phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Các địa phương theo dõi, giám sát dịch bệnh và quản lý hoạt động xuất-nhập, nuôi mới, tái đàn gia súc, gia cầm tại địa bàn. Phát hiện và báo cáo nhanh tình hình cho trạm thú y tại địa phương để xác định dịch bệnh và có biện pháp xử lý; UBND các huyện biên giới chỉ đạo từng xã, thôn biên giới tuyên truyền vận động người dân không tham gia vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch…

 

Trạm kiểm dịch động vật Chư Ngọc. Ảnh: L.N
Trạm kiểm dịch động vật Chư Ngọc. Ảnh: L.N

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp phòng- chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ông Kim Ngọc Lượng-Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Thiện, cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng 25.000 con trâu, bò, 24.000 con heo, khoảng 167.000 con gia cầm và 8 điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Ngay sau khi có chỉ đạo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại và phân chia hóa chất cho các xã để phun tiêu độc khử trùng chuồng trại trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác quản lý và phòng-chống dịch bệnh trên địa bàn huyện đang gặp một số khó khăn bởi đa số người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả rông”.

Hiện nay, các trạm kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh cũng đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông, Quản lý Thị trường tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm và nghiêm cấm không cho nhập gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vào tỉnh. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thái Duy-phụ trách Trạm Kiểm dịch Động vật Chư Ngọc (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) cho biết: Từ đầu năm đến nay, có 10.000 con vịt giống, 5.300 con vịt thịt và 446 con bò thịt được nhập vào địa bàn tỉnh. Việc kiểm soát phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc và tổ chức trực 24/24 giờ.

Theo ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tỉnh ta chưa xuất hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. “Tuy nhiên, để ngăn ngừa các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, chúng tôi đã chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y các địa phương, trạm kiểm dịch động vật tổ chức tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chỉ mua giống vật nuôi và sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch; hướng dẫn người dân chủ động phòng các loại dịch bệnh. Đặc biệt, các huyện biên giới phải tăng cường tuyên truyền người dân giám sát, phát hiện và đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ. Xây dựng phương án chống dịch để chủ động, sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra; tăng cường công tác chốt chặn, nghiêm cấm nhập gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vào tỉnh; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, thiết bị, vật tư, phương tiện để triển khai công tác chống dịch khi có dịch xảy ra; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật”-ông Thanh cho biết.   

Ngoài ra, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai kế hoạch Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt I năm 2017. Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xuất 2.040 lít hóa chất Benkocid cho các địa phương tổ chức phun tiêu độc, khử trùng các khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật, nơi công cộng, đường làng ngõ xóm, khu vực biên giới, phương tiện vận chuyển…

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.