Chư Sê đối mặt nguy cơ hạn cuối vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2016-2017, ngành Nông nghiệp huyện Chư Sê đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng… nhằm tránh hạn. Tuy nhiên, hiện tại, mực nước tại các đập dâng bắt đầu thiếu hụt, hạn cục bộ đã xuất hiện ở một số xã khiến nông dân huyện Chư Sê tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới vào cuối vụ.

  Nguồn nước hiếm hoi còn lại trong kênh chính đập Ia Pết.   Ảnh: N.D
Nguồn nước hiếm hoi còn lại trong kênh chính đập Ia Pết. Ảnh: N.D

Còn nhớ thời điểm này năm ngoái, Chư Sê là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do nắng hạn, thiếu nước tưới cho các loại cây trồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Chư Sê, toàn huyện hiện có 47 công trình thủy lợi, ngoài 2 công trình lớn là hồ chứa Ia Ring và hồ Ia Glai đảm bảo cung cấp nước tưới cho các loại cây trồng, còn lại các đập dâng và đập tạm. Hiện nay, tại khu vực đầu nguồn các con suối, người dân mở rộng diện tích cây công nghiệp dài ngày, vì vậy, các công trình ở cuối nguồn thường gặp khó khăn về nguồn nước tưới vào mùa khô.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 17 cánh đồng lúa nước vụ Đông Xuân 2016-2017 tại 2 xã Bar Maih và Bờ Ngoong bị thiệt hại do nắng hạn gây ra với diện tích khoảng 90 ha. Cụ thể, tại xã Bar Maih có 9 cánh đồng đang thiếu nước tưới với diện tích 52 ha; trong đó mất trắng 5 ha, còn lại 47 ha bị hạn tập trung ở các cánh đồng Khơng 5 ha, Ia Brieng 6 ha, Phạm Kleo 9 ha, Ia Doa 10 ha và Ia Dun 8 ha… Còn tại xã Bờ Ngoong có 8 cánh đồng thiếu nước tưới với diện tích thiệt hại 39,7 ha. Nặng nhất là cánh đồng Amo với diện tích 16,8 ha, Thoong Nha 4,2 ha, Dnâu 3,2 ha, Quái 4,4 ha… Cánh đồng Phạm Kleo (xã Bar Maih) sử dụng nguồn nước tưới từ đập dâng chỉ đủ tưới cho khoảng 15/24 ha. Còn đập dâng Ia Pết (xã Bờ Ngoong) nguồn nước cũng đã xuống thấp, chỉ đảm bảo tưới khoảng 5/20 ha...    

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân của việc thiếu nước tưới hiện nay là do người dân còn sản xuất cây lúa nước theo cách truyền thống, không chịu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Một số diện tích đã được cơ quan chuyên môn các cấp khuyến cáo, tuyên truyền, vận động chuyển đổi cây trồng nhưng người dân vẫn canh tác. Bên cạnh đó, chưa có sự chia sẻ nguồn nước giữa các hộ trồng cây công nghiệp và các hộ trồng lúa. Vào các đợt tưới, người dân đầu nguồn chặn dòng để tưới cà phê dẫn đến cuối nguồn bị khô hạn…

Ông Nguyễn Đức Tuần-Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong cho biết: Trước nguy cơ thiếu nước tưới cho cây lúa cũng như các loại cây công nghiệp dài ngày khác, UBND xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức nạo vét kênh mương, sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm… Từ nay đến cuối tháng 3, nếu thời tiết không mưa, nguy cơ mất trắng 159 ha lúa nước là rất lớn. Đối với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, xã cũng đã tuyên truyền bà con nạo vét giếng, tưới tiết kiệm để đảm bảo cây trồng phát triển, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra…

Trước tình hình khô hạn như hiện nay, UBND huyện Chư Sê đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và đơn vị liên quan phối hợp điều tiết nước tưới phù hợp với từng vùng, địa phương. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho biết: Phòng đã có công văn đề nghị các xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; hướng dẫn sử dụng nguồn nước tưới hợp lý, chia sẻ nguồn nước giữa người sản xuất cây công nghiệp với người trồng lúa để đảm bảo sản xuất hiệu quả giữa các loại cây trồng, tránh tình trạng tranh chấp nước tưới… Phòng cũng phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông Chư Sê-Chư Pưh xây dựng kế hoạch điều tiết nước tưới hợp lý. Với những diện tích còn khả năng cung cấp nguồn nước tưới, các xã vận động người dân tổ chức bơm tưới, đồng thời chủ động xuất ngân sách hỗ trợ xăng, dầu và điện bơm tưới chống hạn hiệu quả…

 Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.