UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất tái canh cà phê (TCCP), quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng UTZ, Certify, 4C, VietGAP… để phổ biến cho người dân trồng TCCP áp dụng; tổng hợp đầy đủ, chính xác danh sách đăng ký nhu cầu tái canh cà phê của từng hộ, cấp xã và huyện.
 

Tạo thuận lợi về cơ chế chính sách liên quan cho hộ trồng tái canh cà phê. Ảnh: L.T
Tạo thuận lợi về cơ chế chính sách liên quan cho hộ trồng tái canh cà phê. Ảnh: L.T

Xây dựng kế hoạch TCCP hàng năm toàn tỉnh để phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Gia Lai, chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả, đề xuất tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Sở Tài chính  tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo việc bố trí kinh phí thực hiện công tác điều tra nhu cầu TCCP của người dân trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân-nhất là đối với diện tích nằm trong kế hoạch TCCP giai đoạn 2016-2020 để thuận lợi trong việc triển khai. Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh kịp thời đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu nâng mức cho vay tái canh cà phê thực hiện theo định mức kinh tế kỹ thuật trồng TCCP, xem xét áp dụng thống nhất một mức lãi suất phù hợp để cho vay. Chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn-chi nhánh Gia Lai sớm xây dựng và ban hành, cụ thể hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn, các dự án vay vốn theo hướng đơn giản, thuận lợi. Bảo đảm công khai minh bạch để các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu vay vốn tiếp cận và vay vốn. Đồng thời, chủ động bổ sung, điều chỉnh các phương thức cho vay vốn TCCP, phù hợp với yêu cầu thực tế nhu cầu của người trồng cà phê ở từng địa phương trong tỉnh.

Mặt khác, UBND các huyện Kbang, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Ia Grai, Chư Pah, Đức Cơ và TP. Pleiku phối hợp với các Đoàn thể cấp huyện, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách khuyến khích hỗ trợ tổ chức, cá nhân vay vốn TCCP; quy trình kỹ thuật trồng TCCP, quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng để giúp người dân trên địa bàn phát triển sản xuất cà phê bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng phát triển sản xuất hàng hóa, cạnh  tranh trong hội nhập.

Đồng thời, khẩn trương chỉ  đạo thực hiện ngay việc xác định địa điểm thiết lập vườn ươm cây giống cố định tại địa phương và ký kết hợp đồng với cơ sở gieo ươm tại địa phương có đủ điều kiện sản xuất cây giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng cho người dân theo kế hoạch trồng TCCP hàng năm. Tiến hành đồng bộ, kịp thời công tác điều tra, tổng hợp đầy đủ, chính xác danh sách đăng ký nhu cầu TCCP của từng hộ dân ở các xã, thôn để có cơ sở Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn giải ngân vốn cho vay TCCP theo đúng quy định, không để xảy ra việc hỗ trợ, cho vay vốn TCCP sai đối tượng.

Lương Thanh

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.