Một số công nhân Công ty Cà phê 706 chưa đồng ý ký nhận khoán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cho rằng chi phí thanh toán cho người lao động đã bỏ ra đầu tư đối với phần diện tích cà phê tái canh năm 2012 thấp, công nhân Công ty Cà phê 706 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) không đồng ý tiếp tục ký khoán. Do đó, từ tháng 9-2016 đến nay, chỉ mới có hơn nửa số công nhân đồng ý với mức thanh toán của Công ty đưa ra và ký khoán.

Mức thanh toán chưa hợp lý?

Theo anh Nguyễn Như Biên (thôn 1, xã Ia Yok), với 1,7 ha cà phê nhận khoán của Công ty, anh thực hiện tái canh từng phần từ năm 2009 đến năm 2012. Các khoản hỗ trợ đầu tư tái canh cà phê những năm trước đó, anh không có ý kiến gì. Riêng đối với 0,3 ha cà phê tái canh năm 2012, đến thời điểm nộp sản lượng và ký nhận kinh phí đầu tư vườn cây thì anh không đồng ý ký nhận. Anh Biên so sánh: Năm 2011, đối với 1 ha cà phê tái canh, công nhân được phía Công ty thanh toán chi phí đầu tư là 145 triệu đồng. Trong đó, người lao động thực nhận hơn 120 triệu đồng với mức khoán sản lượng từ năm 2015 là 2,6 tấn, năm 2016 là 3,6 tấn cà phê tươi.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đối với 1 ha cà phê tái canh năm 2012, công nhân chỉ nhận được 68,7 triệu đồng. Kèm theo đó, công nhân nộp sản lượng cho Công ty năm đầu (năm 2016) là 2 tấn; năm tiếp theo là 3,1 tấn. So với năm 2011, sản lượng nộp khoán của cà phê tái canh năm 2012 giảm được 1 tấn, nhưng quy ra tiền với mức giá hiện tại (khoảng 10 triệu đồng) thì công nhân vẫn chịu thiệt. “Chỉ trong vòng 1 năm, số tiền chênh lệch quá cao nên phần lớn công nhân không đồng ý. Chương trình tái canh cà phê các năm trước công nhân không có ý kiến gì. Chỉ đối với cà phê tái canh năm 2012, tiền nhận được quá ít nên chúng tôi mới có ý kiến”-anh Biên lý giải.

Ông Phan Văn Đức (thôn 7, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) có 4 sào cà phê tái canh năm 2012. Sau khi Công ty trừ hết các khoản, ông chỉ nhận được hơn 20 triệu đồng. Ông Đức cho rằng, từ khi tái canh cho đến cà phê cho trái mất khoảng 3 năm. Làm vất vả cả năm mà Công ty tính toán tiền công quá thấp, chỉ có 58.000 đồng/ngày. So với mức chi trả năm 2011, diện tích cà phê tái canh năm 2012 thấp hơn đến 80 triệu đồng/ha. Các năm tái canh từ 2009 đến 2011, mức trả cho người lao động ở mức chấp nhận được, nhưng năm 2012 quá thấp nên nhiều công nhân không đồng ý. “Với cách tính của Công ty, công nhân chỉ nhận được hơn 15 triệu đồng/ha/năm tiền công chăm sóc”-ông Đức bức xúc.  

Mức khoán hài hòa lợi ích chung

Trước bức xúc của công nhân về mức khoán và số tiền thanh toán, ông Lê Trung Nguyên-Giám đốc Công ty Cà phê 706-khẳng định: Trước khi thực hiện chương trình tái canh, công nhân muốn tham gia thì phải tự nguyện làm đơn xin tái canh, có biên bản kiểm tra vườn cây; bản cam kết thực hiện tái canh; Công ty có hợp đồng vay vốn với người lao động trong thời gian cây cà phê trong giai đoạn kiến thiết. Đồng thời, khi Công ty đưa ra các phương án tái canh đều có Công đoàn cơ sở đại diện cho người lao động tham gia xây dựng. Trước khi có buổi đối thoại giữa lãnh đạo và công nhân, đã có 33 trường hợp nhận thanh toán và ký khoán, 12 trường hợp đã thanh toán nhưng chưa ký khoán. Còn lại 33 trường hợp chưa thanh toán, chưa ký khoán. Đến ngày 12-1, có thêm 4 trường hợp ký khoán và nhận thanh toán.

 

Biên bản làm việc ngày 12-1 cũng ghi nhận ý kiến đồng tình của đại diện Ban Kế hoạch Nông nghiệp, Ban Thanh tra, Công đoàn của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đối với những quan điểm của Công ty Cà phê 706. Ông Hồ Phúc Long-Trưởng ban Kế hoạch Nông nghiệp nhận định việc tính toán đơn giá tiền lương trong định mức dự toán là có cơ sở, mức khoán sản lượng năm 2016, 2017 là phù hợp, hài hòa lợi ích chung; đồng thời yêu cầu Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở giải thích cho người lao động hiểu.

Theo ông Nguyên, trong buổi làm việc sau đó giữa Công ty với đại diện Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, ông đã nhận khuyết điểm về mức giao khoán cho công nhân thấp và khoán chậm 1 năm (không thu sản lượng của năm 2015) so với cam kết. Lý do được ông Nguyên đưa ra là tạo điều kiện để công nhân hoàn lại một phần vốn bỏ ra và bù đắp một phần do thu nhập thấp trong giai đoạn kiến thiết cơ bản tái canh cây cà phê. Đồng thời, Giám đốc Công ty Cà phê 706 cũng đề nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cho phép Công ty thực hiện mức khoán năm 2016 là 2 tấn/ha; năm 2017 là 3,1 tấn cà phê tươi/ha đối với người lao động đã thực hiện ký khoán, tổng cộng mức khoán của 2 năm này chỉ có 5,1 tấn.

“Nếu tính toán lại dự toán theo yêu cầu của công nhân thì số tiền mà người lao động sẽ nhận tăng thêm khoảng 22 triệu đồng, nâng mức nhận lên 91 triệu đồng. Nhưng thay vì mức sản lượng giao khoán là 5,1 tấn thì theo cách tính này mức khoán sẽ tăng lên thành 12 tấn. Trong đó, truy thu phần sản lượng khoán của năm 2015, chứ không phải tính năm đầu tiên nộp sản lượng là năm 2016 như đã cam kết”-ông Nguyên cho biết.

Cũng theo Giám đốc Công ty Cà phê 706, đối với phần diện tích cà phê tái canh năm 2011, suất đầu tư do Công ty lập là 145 triệu đồng/ha. Trong đó, phần Công ty chỉ đầu tư hơn 22,4 triệu đồng nên số tiền tính toán trả cho công nhân tương đối cao, hơn 122 triệu đồng. Riêng năm 2012, suất đầu tư cũng do Công ty lập nhưng chỉ ở mức 115,2 triệu đồng/ha, trong đó phần đầu tư cây giống, vật tư, phân bón của Công ty hơn 46,4 triệu đồng nên công nhân chỉ nhận được 68,7 triệu đồng.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.