Khi nông dân gắn bó với doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vài năm trở lại đây, được Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (IFAD) tỉnh hỗ trợ, nhiều nông dân ở xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) không chỉ tiếp cận với phương thức sản xuất mới mà còn mạnh dạn tham gia liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm làm ra. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

  Công nhân sản xuất nhang. Ảnh: N.D
Công nhân sản xuất nhang. Ảnh: N.D

Hà Đông là một trong 5 xã khó khăn của huyện Đak Đoa được Dự án IFAD hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Ngay từ khi triển khai dự án, xã Hà Đông đã chọn cây bời lời vốn là thế mạnh của địa phương cũng như phù hợp với trình độ canh tác của người dân. Xã thành lập các nhóm chung sở thích trồng bời lời và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với cơ sở sản xuất nhang Hòa Bình. Cơ sở sản xuất nhang Hòa Bình chủ động tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây bời lời cho người dân.

Ông Thôl-trưởng nhóm trồng bời lời làng Kon Pơ Dram phấn khởi nói: “Trước đây, bà con trồng bời lời đến ngày thu hoạch chỉ biết bán cho các quán trong làng. Từ khi tham gia nhóm chung sở thích, cả nhóm được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bời lời. Sản phẩm được cơ sở sản xuất nhang Hòa Bình vào tận nơi thu mua với giá cao hơn so với trước đây. Hiện tại, chúng tôi không chỉ trồng cây bời lời mà còn chủ động thu mua vỏ bời lời của bà con trong làng để cung cấp cho cơ sở sản xuất nhang Hòa Bình.

Năm 2016, các nhóm chung sở thích trồng bời lời xã Hà Đông đã cung cấp cho cơ sở sản xuất nhang Hòa Bình 120 tấn vỏ bời lời, với giá 15.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Bình- Chủ cơ sở sản xuất nhang Hòa Bình, cho biết: Tham gia Dự án IFAD, cơ sở chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây bời lời cho các nhóm chung sở thích của xã và đầu tư 5 máy xay lá bời lời, hướng dẫn bà con cách tận thu lá, vỏ đến thân cây. Chúng tôi vào tận nơi thu mua vỏ bời lời với giá cao hơn hoặc bằng với mức giá ngoài thị trấn. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế mang lại cho các nhóm chung sở thích trồng bời lời ở Hà Đông rất cao. Đặc biệt, bà con đã biết cách thu mua lại của các hàng quán rồi bán cho cơ sở. Không những vậy, những ngày nông nhàn, nhiều người trong nhóm còn ra cơ sở chúng tôi học cách làm nhang.

Ông Lê Viết Phẩm-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết: Từ khi thực hiện Dự án IFAD, quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm bời lời trên địa bàn xã Hà Đông rất tốt. Hiện nay, chuỗi giá trị này đang phát huy tác dụng tốt. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ bố trí nguồn vốn sự nghiệp để nhân rộng mô hình này sang các xã khác.

 Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.