Lĩnh vực kinh tế trọng điểm Gia Lai "xuất hành" sớm trong năm 2017

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tương lai ở phía trước, cuộc sống là tiến lên. Và không có gì kiểm nghiệm một cách chắc chắn và thuyết phục bằng kết quả thực chất đạt được. Với Gia Lai, trọng điểm phát triển kinh tế năm 2017 thực sự đã sáng rõ sau gần 20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội (KT-XH) đạt và vượt kế hoạch trong năm 2016 cùng với các nhiệm vụ và giải pháp quyết liệt, đồng bộ thể hiện nỗ lực và quyết tâm rất lớn của tỉnh.

1. Thu hút đầu tư phải bằng kết quả thực tế

 

Ký kết hợp tác đầu tư. Ảnh: Đ.T
Ký kết hợp tác đầu tư. Ảnh: Đ.T

Nhắc lại, một trong những sự kiện nổi bật năm qua của tỉnh là Hội nghị xúc tiến đầu tư Gia Lai 2016, thu hút trên 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự. Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Gia Lai phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và chia sẻ thành công cũng như thất bại của doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm đồng hành của địa phương đối với một Chính phủ chủ trương và quyết tâm thực hiện kiến tạo và phục vụ.

Lạc quan thấy rõ khi tại sự kiện này, cả Chính phủ, bộ ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương thể hiện sự đồng lòng và quyết tâm. Thủ tướng nhấn mạnh ngoài quy hoạch phát triển nguồn nước, Chính phủ cũng quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đó, sẽ tiếp tục bổ sung nguồn vốn nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối Gia Lai với các vùng kinh tế quan trọng của đất nước… để mở rộng giao thương. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư theo hướng giảm chi phí đầu tư tại Gia Lai và Tây Nguyên. Chiến lược kết nối Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia cũng sẽ được đảm bảo để các nhà đầu tư gắn bó làm ăn lâu dài. Thủ tướng giao nhiệm vụ một số bộ đề xuất cơ chế để một số sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên có đầu ra ổn định; hình thành một số khu du lịch quốc gia tại Gia Lai, tổ chức các Festival; phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch dịch vụ. Gia Lai phải đưa ra những cam kết cụ thể với nhà đầu tư từ điện, nước đến cơ sở hạ tầng, tạo môi trường tốt để phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó, cần chủ động nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương.

Cam kết với Chính phủ, Thủ tướng và các nhà đầu tư, các DN, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu nêu rõ quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư thực sự thông thoáng, dành nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp và cam kết đồng hành chặt chẽ với nhà đầu tư và doanh nghiệp trên đường phát triển.

Năm 2017 đã bắt đầu. Sau đây sẽ là công cuộc bắt tay thực hiện các cam kết và dự án đã được trao quyết định đầu tư. Chắc chắn là còn nhiều phần việc phải làm nhưng tình trạng trầm lắng thu hút đầu tư như từng diễn ra trước đây sẽ được thay thế bằng luồng sinh khí mới, sôi nổi và năng động hơn. Hãy tin tưởng và chờ đợi.

2. Phát triển kinh tế du lịch xứng tầm

 

 Núi Chư Đăng Ya-địa chỉ du lịch thu hút các nhà đầu tư trong tương lai.
Núi Chư Đăng Ya-địa chỉ du lịch thu hút các nhà đầu tư trong tương lai.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Gia Lai năm 2016, một trong những lĩnh vực “chủ nhà” Gia Lai đặc biệt quan tâm thể hiện không chỉ ở danh mục, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư mà còn cả ở việc tổ chức một hội thảo riêng lẻ để phát triển du lịch. Động thái này không gì khác là tiếp nối chủ trương phát triển ngành công nghiệp không khói của Đảng từ nhiều năm qua và cụ thể là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08- NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Là mảnh đất Bắc Tây Nguyên có lịch sử hình thành lâu đời, có bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc, Gia Lai có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch. Ngày nay Gia Lai là miền đất hứa, miền đất nên thơ và trù phú với những ai không thiếu ý chí làm giàu. Không chỉ nổi tiếng vì đất đai màu mỡ, là quê hương của cà phê, hồ tiêu, Gia Lai từ lâu còn được biết đến là quê hương của di sản phi vật thể cồng chiêng của nhân loại, chấn động bởi di tích khảo cổ mới đây về người Việt cổ, lưu lại đầy đủ dấu tích Tây Sơn thượng đạo, nhiểu danh lam thắng cảnh độc đáo như Biển Hồ, Ia Ly, Ayun Hạ, của truyền thống văn hóa và nghệ thuật đặc sắc...

Trước đây do câu nệ nhiều lý do, ngành kinh tế quan trọng này đóng góp chẳng được bao nhiêu vào GDP của tỉnh, dẫu trong nhiều văn bản giấy tờ nó luôn được xem là ưu tiên số một trong việc làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.  Chỉ những năm gần đây, du lịch mới được chú trọng đầy đủ hơn, dù rằng trên thực tế nhiều vướng mắc, khó khăn chưa thể khơi thông rốt ráo. Tình trạng khai thác sản phẩm thô mà thiếu sự đầu tư phát triển du lịch hãy còn phổ biến. Nhiều di tích lịch sử văn hóa bị mai một, xuống cấp. Bên cạnh đó, tình trạng sẩn phẩm du lịch thiếu phong phú, “na ná” nhau, chưa kể trước yêu cầu liên kết du lịch vùng, còn phải đa dạng hơn rất nhiều.

Từ kết quả các cuộc điều tra, quy hoạch, hội thảo, ý kiến các chuyên gia, giờ đây du lịch Gia Lai đã định hình khá rõ với các loại hình: dã ngoại, văn hóa lịch sử và nghỉ dưỡng. Với việc quan tâm phát triển thể hiện không chỉ ở chiến lược, quy hoạch mà cả đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch và đề án phát triển du lịch, chắc chắn năm 2017 và những năm tiếp theo, lĩnh vực công nghiệp không khói này sẽ là ngành kinh tế như gà đẻ trứng vàng của tỉnh.

3. Tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển nông nghiệp công nghệ cao

 

Lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho cây hồ tiêu. Ảnh: L.N
Lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho cây hồ tiêu. Ảnh: L.N

Là tỉnh mà khu vực kinh tế nông-lâm nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP thì kinh tế nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên tập quán sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún khiến cho năng suất, chất lượng, sản lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh chưa cao, sức cạnh tranh kém. Lối sản xuất đó cộng với biến động bất lợi của thời tiết khí hậu khiến ngành nông nghiệp của tỉnh đứng trước rất nhiều thử thách. Năm rồi, hạn hán khiến hàng ngàn ha cà phê, hồ tiêu và cây trồng khác ở Chư Pưh, Chư Sê… chết khô hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước tưới. Rồi nhiều lọai bệnh như chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu, bọ xén gốc trên cây mía, lở mồm long móng trên trâu bò, v.v… nhiều năm nay tỉnh đặt hàng các nhà khoa học nhưng hiện vẫn chưa có hóa chất xử lý hữu hiệu.
 
Do đó, phát triển nông nghiệp bền vững, công nghệ cao là xu thế tất yếu đối với ngành kinh tế nông nghiệp không chỉ của địa phương trong hiện tại và tương lai. Xu hướng sản xuất này góp phần nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn cho người tiêu dùng. Từ đó, ngành trồng trọt có sự chuyển dịch mạnh mẽ và đúng hướng theo cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên-xã hội từng vùng theo quy hoạch, đặc biệt là đối với các cây trồng chủ lực và vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Bắt nhịp với xu thế đó, thời gian qua, Gia Lai đã hình thành nhiều mô hình phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao như công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm tại Chư Pưh, Chư Sê, sản xuất tiêu sạch ở Pleiku, Chư Sê, cà phê hòa tan, rau-hoa trong nhà lồng ở An Phú-Pleiku,… cùng nhiều mô hình có tính khai phá khác. Nhất là mô hình phù hợp với tập quán sản xuất của bà con dân tộc thiểu số với cây mía, cây mì, bời lời, điều. Lúa nước chất lượng cao vùng thung lũng Cheo Reo là một thành quả nổi bật của cả một quá trình phát triển văn hóa vật chất. Với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng tốt gói kỹ thuật canh tác tiên tiến đã giúp bà con nông dân tiết giảm chi phí sản xuất, giảm độc hại cho con người và môi trường góp phần cân bằng sinh thái. Chúng ta vui mừng khi cùng với những thành quả của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh như tái canh cây cà phê, ứng dụng nhiều giống mới chất lượng trên cây lúa, cây mía, cây bắp, thì quá trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, áp dụng và nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm sẽ mang lại lợi ích không nhỏ cho bà con nông dân.  

Cùng với đó, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì để Gia Lai tiếp tục là một trọng các địa phương cả nước có tổng đàn gia súc vào hàng lớn nhất nước, tỷ lệ nạc hóa đàn heo, Sind hóa đàn bò ngày càng tăng, chuyển hướng sang trang trại tập trung hay kết hợp hình thành mô hình trang trại rổng hợp: vườn-ao-chuồng-rừng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Các trang trại chăn nuôi bò ở Hờ Bông, An Khê, Kông chro, Kbang, heo rừng lai, nhím, chồn ở Chư Prông, Đức Cơ, dần dần ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi và sản xuất như sử dụng giống tốt, năng suất cao, chất lượng, cơ sở chuồng trại đảm bảo, điều kiện chăn thả phù hợp…

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công cũng có nghĩa Gia Lai đã phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “đi bằng 3 chân” tại Hội nghị xúc tiến đầu tư cuối năm con Khỉ vửa rồi.

Với quyết tâm của Chính phủ và chính quyền kiến tạo và phục vụ; với việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; với chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là sự xuất hiện các dự án đầu tư quy mô lớn gần đây trên địa bàn tỉnh, kinh tế Gia Lai năm 2017 và những năm tiếp theo chắc chắn sẽ có những thay đổi mạnh mẽ.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.