Triển vọng từ dự án cấp nước An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến tháng 4-2018, khi dự án đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước trên địa bàn thị xã An Khê và vùng phụ cận do Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê làm chủ đầu tư được hoàn thành, trên 70.000 dân sẽ được sử dụng nguồn nước máy chất lượng thay thế cho nguồn nước hiện nay.

Phối cảnh tổng thể Nhà máy nước sạch thị xã An Khê.
Phối cảnh tổng thể Nhà máy nước sạch thị xã An Khê.

Giải bài toán nguồn nước sinh hoạt là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại thị xã An Khê trong nhiều năm qua khi Nhà máy Nước An Khê hiện tại đã xuống cấp, nguồn nước đầu vào ngày càng bị ô nhiễm. Được sự đồng ý của UBND tỉnh, Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê dự kiến sẽ triển khai xây dựng công trình nhà máy nước mới với công suất 9.500 m3/ngày đêm, cung cấp nguồn nước đảm bảo chất lượng cho người dân thị xã An Khê và 3 xã lân cận thuộc huyện Đak Pơ là Phú An, Tân An và Cư An.

Theo khảo sát, tổng số dân trên địa bàn thị xã An Khê và 3 xã Tân An, Cư An, Phú An vào khoảng 70.500 người. Dự báo đến năm 2020, quy mô dân số tại khu vực này sẽ nâng lên 73.500 người và chạm mức 77.500 người vào năm 2025. Trước áp lực gia tăng số dân đi kèm với nhu cầu nguồn nước sạch ngày càng cao, việc đầu tư xây dựng nhà máy nước đảm bảo chất lượng cho nhu cầu sinh hoạt là vô cùng cấp thiết.

 

Hệ thống bể lắng lọc của Nhà máy Nước An Khê hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: L.H
Hệ thống bể lắng lọc của Nhà máy Nước An Khê hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: L.H

Dự án đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước trên địa bàn thị xã An Khê và vùng phụ cận do Công ty cổ phần Nước Sài Gòn-An Khê làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư là 160,9 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao vào tháng 4-2018. Trong đó, đến tháng 10-2017, sẽ hoàn thành xây lắp khu xử lý và tuyến ống chuyển tải chính để có thể cấp phát nước trước, phục vụ nhu cầu của người dân thị xã. Thời gian sau đó, chủ đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện, mở rộng toàn bộ mạng lưới đường ống và đấu nối dịch vụ.

Theo phương án xây dựng Nhà máy Nước An Khê thuộc dự án đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước trên địa bàn thị xã An Khê và vùng phụ cận, công suất thiết kế giai đoạn đầu của nhà máy là 9.500 m3/ngày đêm, trạm xử lý hoạt động 24/24 giờ, tiêu chuẩn cấp nước 120 lít/người/ngày. Các hạng mục đầu tư gồm: công trình nguồn (trạm bơm cấp I kết hợp công trình thu nước), trạm xử lý (bể trộn, cụm xử lý lắng lọc công suất 9.500 m3/ngày đêm, bể chứa 2.000 m3, trạm bơm rửa lọc, nhà hóa chất khử trùng, nhà điều hành và các công trình phụ trợ), mạng lưới đường ống truyền tải và phân phối với đường kính DN400-DN100, mạng lưới dịch vụ OD63 và đấu nối vào các hộ tiêu thụ.

 

Ông Nguyễn Hoàng Long-Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước trên địa bàn thị xã An Khê và vùng phụ cận khẳng định: Việc đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống cấp nước mang lại hiệu quả không chỉ về mặt kinh tế cho chủ đầu tư mà còn giúp giải quyết bài toán thiếu nước sạch đang diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, thu hút các nhà đầu tư trong tương lai, cải thiện và nâng cao chất lượng sống, hạn chế dịch bệnh phát sinh do ô nhiễm nguồn nước…

Nhà máy mới sẽ sử dụng nguồn nước thô lấy trực tiếp từ hồ chứa Thủy điện An Khê-Ka Nak, thay vì lấy tại sông Ba. Kết quả đánh giá chất lượng nước thô tại hồ Thủy điện An Khê-Ka Nak cho thấy, chất lượng nước phù hợp làm nguồn nước thô cấp cho mục đích sinh hoạt của người dân theo quy chuẩn Việt Nam 08-2015. Vị trí đặt nhà máy nước cũng sẽ di dời về gần hồ Thủy điện An Khê-Ka Nak (thuộc phường An Phước, thị xã An Khê) để thuận tiện cho việc xử lý nước và cấp nước cho dân. Về lâu dài, nguồn nước tại đây vừa đảm bảo chất lượng và trữ lượng để cung cấp cho nhà máy. Ủy ban nhân dân thị xã An Khê đã xin ý kiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc lấy nguồn nước của thủy điện để xây hệ thống cấp nước cho thị xã. Vị trí lấy nước thuộc phía thượng lưu của đập, cách đập chính hơn 500 mét.

Theo thiết kế, nhà máy nước sử dụng dây chuyền công nghệ có bể lắng Lamella (bể lắng có lớp mỏng) và bể phản ứng khí. Đây là công nghệ tiên tiến với ưu điểm tự động hóa và cơ khí hóa, giúp hạn chế tối đa việc vận hành thủ công, giảm giá thành đầu tư. Giai đoạn đầu của dự án, nhà máy sẽ có công suất 9.500 m3/ngày đêm. Sau năm 2025, khi nhu cầu sử dụng nước tăng lên thì sẽ xây dựng thêm một đơn nguyên xử lý và khi đó công suất nhà máy sẽ đạt 19.000 m3/ngày đêm. Theo tính toán của chủ đầu tư dựa trên mức tăng dân số tương ứng thì đến năm 2017, nhu cầu dùng nước của người dân thuộc vùng dự án sẽ vào khoảng 9.165 m3/ngày; đến năm 2020 sẽ tăng lên 10.080 m3/ngày và đến năm 2025 sẽ là 13.119 m3/ngày. Mức giá bán (chưa tính thuế VAT) được chủ đầu tư đưa ra trong giai đoạn 2017-2018 là 6.700 đồng/m3, giai đoạn 2019-2020 tăng lên 7.035 đồng/m3, năm 2021 là 7.387 đồng/m3 và đến năm 2022, giá cung cấp nước sẽ là 7.756 đồng/m3.

 Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.