Hỗ trợ đầu tư trồng rừng còn nhiều bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 2-12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) tổ chức hội thảo “Tác động của chính sách tới các hộ, tổ chức sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại Việt Nam”.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khu vực nông thôn Việt Nam hiện nay có khoảng 9 triệu hộ sản xuất nông lâm nghiệp và 29.500 trang trại, trong đó có 430 trang trại lâm nghiệp. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người trồng rừng, trang trại như tín dụng vốn vay, quyền sử dụng rừng và đất rừng; khai thác, sử dụng và hưởng lợi từ rừng.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho thấy, các chính sách này tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất rừng, trang trại. Cụ thể chính sách giao đất lâm nghiệp đã tạo ra những trang trại lớn, khuyến khích hộ gia đình tham gia phát triển rừng.

Báo cáo nghiên cứu chính sách tác động tới sản xuất, kinh doanh của người sản xuất rừng và trang trại do Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) thực hiện cho thấy, hiện mức đầu tư cho mỗi ha rừng trồng khoảng 20 triệu đồng (chưa bao gồm công), nhưng mức hỗ trợ thực tế chỉ khoảng 3 triệu đồng.

Về chính sách tín dụng, hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho vay phục vụ sản xuất theo Nghị định 41, nhưng đối tượng vay không bao gồm hợp tác và tổ hợp tác.

Thực tế, chỉ có khoảng 3% số nhu cầu vay là hộ, trang trại được vay vốn sản xuất nông - lâm nghiệp. Cá biệt, một số hộ vay phục vụ sản xuất nông – lâm nghiệp nhưng phải nhờ chính quyền xã chứng nhận để vay với mục đích ngoài nông lâm nghiệp.

Ông Phạm Quốc Trị, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược - Bộ NN&PTNT cho biết, các khoản vay phục vụ sản xuất nông nghiệp vân chiếm tỷ lệ nhỏ và chủ yếu ngắn hạn. Do đó, Agribank thông qua các ngân hàng địa phương bố trí khoản vay dài hạn riêng cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và ban hành chính sách ưu đãi vốn vay dài hạn cũng như cách thức cho vay với sản xuất lâm nghiệp.

“Đối với chính sách đất rừng có một số bất cập giữa Luật Bảo vệ phát triển rừng năm 2004 và Luật Đất đai năm 2013 về quy định đối tượng là hộ người dân, hiện Bộ đang nghiên cứu điều chỉnh sửa đổi. Viện kiến nghị các địa phương cần ưu tiên giải quyết tranh chấp cắm mốc cho hộ dân trước và tăng cường quyền sử dụng đất rừng cho người dân. Đối với chính sách khai thác, hưởng lợi thì cần hướng dẫn quy định về định giá rừng để làm cơ sở cho việc chuyển đổi, góp vốn và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Luật Luật Bảo vệ phát triển rừng cần có quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích đất rừng cho sản xuất để làm cơ sở cho quản lý và phát triển”, ông Trị nêu rõ.

Tại hội nghị, một số ý kiến đề nghị đã được đưa ra, trong đó cần cho phép tích tụ đất đai trong sản xuất lâm nghiệp và khuyến khích và có cơ chế để thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất lâm nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.