Gia Lai: Xúc tiến phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Phát triển nông nghiệp ứng dụng cao là xu hướng tất yếu của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên khẳng định. Và để thực hiện vấn đề này cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, các doanh nghiệp và người dân.

Gia Lai đang kêu gọi đầu tư xây dựng dự án nông nghiệp công nghệ cao.      Ảnh: V.T
Gia Lai đang kêu gọi đầu tư xây dựng dự án nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: V.T

Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: tự động hóa, cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ. Dựa trên tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Gia Lai, PGS.TS Nguyễn Văn Nam (Trường Đại học Tây Nguyên) cho rằng: “Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào chuỗi sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nên được phát triển theo từng giai đoạn và mức độ phát triển khác nhau của địa phương. Cần tạo những giống mới thông qua tổng hợp các kỹ thuật gen di truyền và tạo giống, công nghệ gen; sử dụng kỹ thuật mới trong việc nhân giống cây trồng. Nghiên cứu chọn lọc và sử dụng các dòng vi sinh vật để sản xuất enzyme sinh học trong ngành chế biến nông sản thế mạnh như cà phê, hồ tiêu…”.
 

“Đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là yêu cầu hết sức cần thiết và cấp bách, phù hợp với xu thế của thế giới nhằm thúc đẩy ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả, an toàn thực phẩm và bền vững”-ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với nhiệm vụ đặc thù của đơn vị, ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh hình thành 5 khu nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng, cụ thể: huyện Đak Đoa với diện tích 84 ha, xã An Phú (TP. Pleiku) 16 ha, phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) 15 ha, xã Dun (huyện Chư Sê) 20 ha, xã Xuân An (thị xã An Khê) 95 ha. Chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô nhằm tạo ra những loại giống chất lượng cao; nâng cao năng suất cây trồng bằng việc áp dụng công nghệ, chế phẩm vi sinh vật; cơ giới hóa tất cả các khâu từ làm đất đến thu hoạch”.

Xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là yếu tố then chốt để tạo ra sự đột phá, tăng tốc trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, thời gian qua, tỉnh đã có một số chủ trương, chính sách như Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 12-2-2015 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 341/KH-UBND ngày 1-2-2016 về thực hiện Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020; Chương trình số 15-CTr/TU ngày 30-6-2016 của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị, gia tăng chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học chất lượng cao vào sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu...

Nói về một số giải pháp và nhiệm vụ để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới, ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tỉnh đang kêu gọi đầu tư xây dựng dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại Pleiku, An Khê, Đak Đoa, Đak Pơ với quy mô khoảng 100-150 ha để tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết nhằm mở rộng sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững. Quan trọng nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp về nhà kính cao cấp, công nghệ thông tin điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, dinh dưỡng, hệ thống thủy canh... Tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo và sản xuất giống, tạo ra các giống mới đột biến có giá trị cao đối với các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như rau, hoa, cây dược liệu và cây đặc sản. Tất nhiên, không thể thiếu việc đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.