Phát triển vùng nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, Nhà máy Đường An Khê đang tập trung chuẩn bị mọi điều kiện cho việc vận hành vụ ép mới vào ngày 15-11 đến. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ nâng cấp dây chuyền sản xuất, đơn vị còn tích cực ra quân làm đất, trồng mía, không ngừng mở rộng diện tích vùng nguyên liệu trong niên vụ 2016-2017.

Nâng công suất chế biến

Ông Nguyễn Hoàng Phước-Trưởng phòng Đầu tư-Nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê, cho biết: Thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất cũng như đảm bảo công tác thu mua mía trong vùng nguyên liệu, tạo sự an tâm cho người trồng, niên vụ 2016-2017, Nhà máy Đường An Khê quyết định nâng công suất chế biến. Theo đó, ngay từ khi kết thúc vụ ép 2015-2016, Nhà máy đã bắt tay vào việc tháo dỡ thiết bị, lắp đặt dây chuyền sản xuất mới với công nghệ hiện đại của các nước Anh, Ý, Nhật. “Toàn bộ dây chuyền 2.000 và 4.000 tấn mía cây/ngày được tháo gỡ để thay thế bằng các thiết bị lớn hơn với công suất thiết kế 12.000 tấn mía cây/ngày. Cộng với thiết bị chủ là 6.000-10.000 tấn mía cây/ngày thì tổng công suất thiết kế của Nhà máy khi đi vào sản xuất là 18.000-22.000 tấn mía cây/ngày”-ông Phước cho hay.

 

Nhà máy Đường An Khê đã đầu tư thêm hàng loạt thiết bị nông nghiệp để phục vụ sản xuất mía. Ảnh: H.T
Nhà máy Đường An Khê đã đầu tư thêm hàng loạt thiết bị nông nghiệp để phục vụ sản xuất mía. Ảnh: H.T

Từ giữa tháng 5-2016 đến nay, mỗi ngày, hàng ngàn cán bộ, công nhân, kể cả các chuyên gia, kỹ sư trong và ngoài nước đã chia ca lao động, túc trực làm việc tại công trường 24/24 giờ nhằm đảm bảo kịp thời gian bước vào vụ ép mới. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công đã đạt khoảng 90%.

Song song với nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện đại, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi còn đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sinh khối An Khê. Tổng kinh phí cho 2 dự án này là 3.600 tỷ đồng. Đây được xem là công trình sản xuất điện năng sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Bởi lẽ, nó tận dụng tất cả bã mía sau ép để đốt lò sinh điện, vừa giải quyết được bài toán rác thải, vừa tạo ra được một lượng phân bùn đáng kể từ tro bã để bón cho cây. Nhà máy Nhiệt điện này có tổng công suất thiết kế là 80 MW, gồm 3 tổ máy với công suất lần lượt: 15 MW, 40 MW và 55 MW. Không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất của Nhà máy Đường An Khê, điện năng tạo ra sẽ được hòa vào lưới điện quốc gia dự kiến vào cuối năm 2016.

“Việc tận dụng bã mía thừa để sản xuất điện sẽ góp phần giữ ổn định giá trị của cây mía trên vùng nguyên liệu, ngay cả khi giá đường xuống thấp. Đây là cơ sở giúp bà con nông dân yên tâm đầu tư phát triển cây mía”-ông Phước khẳng định.

 

Tổng diện tích thực hiện cơ giới hóa trong 5 năm qua của Nhà máy Đường An Khê là 21.488,7 ha. Trong đó:
- Cơ giới hóa trồng máy 7.626,1 ha; năng suất bình quân 85 tấn/ha (riêng diện tích cánh đồng lớn 2.029,6 ha; năng suất bình quân 100 tấn/ha).
- Cơ giới hóa trồng thủ công 6.679,2 ha; năng suất bình quân 70 tấn/ha.
- Cơ giới hóa chăm sóc, bón phân 7.183,4 ha.

Đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu

Những năm qua, vùng mía các huyện, thị xã khu vực Đông Gia Lai đã thay đổi rất lớn từ diện tích, quy mô sản xuất đến năng suất, chất lượng mía. Người trồng mía đã tăng được lợi nhuận, có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất theo hướng công nghiệp. Doanh nghiệp chế biến có nguồn nguyên liệu dồi dào, giá thành sản xuất giảm, bảo đảm cạnh tranh trong thời kỳ kinh tế hội nhập.

Tuy nhiên, theo tính toán của Nhà máy Đường An Khê, hiện trên toàn vùng nguyên liệu có khoảng 1,6 triệu tấn mía. Khối lượng này mới chỉ đáp ứng được 60% công suất thiết kế mới của Nhà máy. Do đó, theo ông Phước, Nhà máy Đường An Khê sẽ tiếp tục đầu tư, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ có lợi cho người trồng để khuyến khích bà con nông dân phát triển cây mía. Phấn đấu đến năm 2020, Nhà máy sẽ có một vùng nguyên liệu mía dồi dào với 35.000 ha, tăng gần 9.000 ha so với hiện nay.

Để đạt được con số trên, cùng với các giải pháp như sinh học hóa (nghiên cứu đưa giống mía mới vào trồng), hóa học hóa (áp dụng công thức bón phân hiệu quả, tiết kiệm), Nhà máy Đường An Khê đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch mía. Kế tiếp thành công trong những năm vừa qua, niên vụ 2016-2017, Nhà máy Đường An Khê đã đầu tư thêm hàng loạt máy kéo, thiết bị nông nghiệp và máy thu hoạch mía. Đến nay, Nhà máy có khoảng 200 máy kéo các loại, 500 máy-thiết bị nông nghiệp cày bừa và 10 máy thu hoạch liên hợp. Về năng lực máy, niên vụ này đã tăng thêm trên 50% so với niên vụ 2015-2016; nhân lực phục vụ từ 350 đến 500 lao động để sử dụng, vận hành máy móc.

 

Phát biểu tại lễ ra quân cày đất, trồng mía niên vụ 2016-2017 mới đây, ông Nguyễn Đình Chỉnh-Giám đốc Xí nghiệp Cơ giới Nông nghiệp An Khê cho biết: “Xí nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ máy móc và nhân lực sẵn sàng cùng với bà con cày, bừa, trồng, chăm sóc vụ mía mới, tối thiểu theo các chỉ tiêu giao ước với Nhà máy Đường An Khê, gồm: làm đất để trồng mới 5.000 ha, trồng mía bằng máy 4.000 ha, chăm sóc 5.000-7.000 ha, thu hoạch bằng máy 120.000-150.000 tấn mía”.

“Đến giờ này, chúng tôi đã cày được 700/4.000 ha theo kế hoạch mở rộng, chủ yếu tập trung ở các xã phía Nam của huyện Kông Chro. Riêng các khu vực khác trên địa bàn 4 huyện, thị xã máy móc đều đã được bố trí sẵn sàng, chỉ chờ đất ráo là bắt tay cày trồng ngay. Hầu hết diện tích trên được nông dân chuyển đổi từ các cây trồng kém hiệu quả như bắp, mì sang trồng mía”-ông Phước nói thêm.

Hồng Thi

Ông ĐOÀN MINH DUY-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ:
Vận động nhân dân áp dụng cơ giới trong sản xuất mía


Với dàn máy móc, thiết bị nông nghiệp hiện đại, thời gian qua, Nhà máy Đường An Khê đã thực hiện hiệu quả việc đưa cơ giới vào sản xuất mía. Đặc biệt, nhờ khâu làm đất kỹ, tơi xốp, giữ độ ẩm nên hầu hết diện tích mía áp dụng cơ giới không những vượt qua được đợt nắng hạn khắc nghiệt vừa rồi mà còn sinh trưởng, phát triển ổn định. Chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp và PTNT huyện cũng thường xuyên phối hợp với Nhà máy, chỉ đạo sát sao việc tuyên truyền, vận động nông dân đưa máy móc vào sản xuất, tiến tới cơ giới hóa đồng bộ trên cây trồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn do đất đai trên địa bàn có diện tích nhỏ lẻ, địa hình kém bằng phẳng; nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là các hộ dân tộc thiểu số vẫn giữ phương pháp sản xuất thủ công truyền thống với quan niệm “lấy công làm lời”.

Ông DƯƠNG VĂN THIÊN (tổ dân phố 2, phường Ngô Mây, thị xã An Khê):
Yên tâm chuyển đổi từ cây mì sang trồng mía


Trước kia, gia đình tôi có trồng mía nhưng sau đợt khủng hoảng mía đường thì chuyển hẳn sang trồng mì vì giá mía quá thấp, đầu ra bấp bênh. Đến cuối năm ngoái, nhận thấy thị trường mía đường đã dần đi vào ổn định, Nhà máy Đường An Khê có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho nông dân phát triển cây mía và bao tiêu sản phẩm đầu ra nên tôi đã trồng lại 2 ha. Đợt nắng hạn vừa qua, Nhà máy còn hỗ trợ miễn phí đường ống, điện nước giúp chúng tôi tưới cho mía. Nay diện tích mía của tôi phát triển khá tốt, dự kiến thu hoạch đạt năng suất cao. Giờ tôi rất yên tâm khi chuyển đổi từ mì sang trồng mía.

Ông THIềU Sỹ LÂM (thôn 4, xã An Thành, huyện Đak Pơ):
Đưa cơ giới vào sản xuất mía mang lại hiệu quả rõ rệt


Những ngày qua, Nhà máy Đường An Khê đang hỗ trợ tôi làm đất để trồng mới thêm 10 ha mía. Tuy nhiên, do trời mưa nhiều, đất bị nhão nên mới chỉ trồng được 1 ha. Tính cả 30 ha chuẩn bị thu hoạch vào cuối năm, tôi đã áp dụng cơ giới vào sản xuất tầm 70% diện tích; 30% còn lại vẫn làm thủ công, chủ yếu ở công đoạn phun thuốc, bón phân khi mía lớn, máy không thể làm được. Tôi nhận thấy, đưa cơ giới vào sản xuất mía mang lại hiệu quả rõ rệt, vừa tiết kiệm công lao động vừa giúp trồng, chăm sóc mía đúng kỹ thuật, góp phần giúp mía sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng cao.

Anh NGUYễN Kế NHÃ (thôn 6, xã An Trung, huyện Kông Chro):
Cây mía đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình


Bên cạnh 40 ha mía hiện có, mấy anh em chúng tôi tiếp tục mua, thuê đất để mở rộng thêm khoảng 20 ha trong năm nay. Hiện nay, với sự hỗ trợ máy móc, thiết bị từ Nhà máy Đường An Khê, nhà tôi đã làm đất xong, 2-3 ngày nữa sẽ cắt hàng trồng. Các giống mía hiệu quả như: K95-84, K95-156 từ Nhà máy vẫn được tôi áp dụng trồng trong vụ này. So với cây đậu xanh, bắp, mì bấp bênh trước đây, cây mía giờ đã trở thành cây chủ lực đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình trong xã, trong đó có chúng tôi. Vì vậy, sắp tới, tôi dự định sẽ thuê thêm đất bên thị xã Ayun Pa để đầu tư trồng thêm loại cây này.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.