Nuôi dê sinh sản để thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 36 hộ nghèo ở 2 xã Chư Băh và Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) đã cải thiện được thu nhập sau hơn 1 năm nuôi dê sinh sản của Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện.

“Cần câu” cho những hộ thiếu vốn

Cách đây hơn 1 năm, gia đình chị Hiao HDuên (buôn A Ma Nher 1, xã Ia Rtô) được Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ 2 con dê giống. Từ 2 con dê giống, đến nay, đàn dê đã phát triển lên 15 con. Tính nhẩm, chỉ riêng bán dê giống, gia đình chị HDuên cũng có tiền triệu, chưa kể tiền bán dê thịt.

 

  Chị Hiao HDuên bên đàn dê của mình.                                         Ảnh: Đ.Y
Chị Hiao HDuên bên đàn dê của mình. Ảnh: Đ.Y

Theo chị HDuên, một con dê giống nuôi hơn 3 tháng bán giá 3 triệu đồng, dê đực 1,7 triệu đồng. Dê thịt nuôi khoảng 5-7 tháng sẽ đạt trọng lượng 20-35 kg/con, với giá thị trường 90.000 đồng/kg thịt dê hiện nay cũng được 2-2,5 triệu đồng. Mỗi năm, dê thường đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 4 con, nhưng thông thường là 2 con. Vì thế, nuôi dê chỉ cần vốn ban đầu vài triệu đồng, cộng thêm ít kinh nghiệm và chịu khó là người nuôi có thể thoát nghèo.

Giống như gia đình chị HDuên, 8 hộ nghèo khác ở buôn A Ma Nher 1 cũng được Dự án hỗ trợ mỗi hộ 2 con dê giống từ tháng 8-2015. Ông Kpă Phang-Trưởng thôn A Ma Nher 1, cho hay: Vừa qua, 9 hộ nghèo được hỗ trợ 18 con dê giống sinh sản đã phát huy hiệu quả. Dê là loài động vật ăn tạp, sức đề kháng cao, thức ăn chủ yếu là cây cỏ, hoa lá ở ruộng, vườn… nên chăn nuôi không vất vả và tốn kém như các con khác. Đây là “cần câu cơm” giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Tương tự, 18 hộ nghèo ở 2 buôn: Hiao và Chư Băh B (xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa) cũng được Dự án hỗ trợ 36 con dê giống (2 con/hộ). Sau hơn 1 năm, dê đã phát triển lên thành đàn. Vừa lùa đàn dê vào chuồng, chị Ksor HBer-một hộ hưởng lợi ở buôn Hiao cho biết: “Sau hơn 1 năm, 2 con dê giống đã sinh sản được 8 con dê. Mình bán bớt 3 con được 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống, còn lại để nhân thành đàn”.

Giúp hộ nghèo tự vươn lên

Tháng 8-2015, 36 hộ nghèo ở 2 xã Ia Rtô và Chư Băh được hỗ trợ 72 con dê giống (mỗi hộ 2 con) với tổng số tiền trên 227 triệu đồng từ Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã Ayun Pa triển khai. Đến nay, số dê giống này đã phát triển lên trên 200 con. Ngoài các hộ được nhận dê của dự án, nhiều hộ dân ở xã Ia Rtô có vốn cũng đã mạnh dạn mua dê giống về nuôi. “Đây là tín hiệu đáng mừng vì mô hình đã  tạo sức lan tỏa, đem lại hiệu quả, giúp người dân địa phương vươn lên làm giàu”-anh Võ Phước An-cán bộ Văn hóa-Xã hội xã Ia Rtô cho biết.

Bà Hoàng Thúy Hoa-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã Ayun Pa cho hay: Thực tế cho thấy, nuôi dê phù hợp với điều kiện của các hộ nghèo ở đây, đáp ứng mục tiêu chương trình phát triển của địa phương, góp phần tích cực vào việc giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho hộ nghèo, nhất là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững.

Để việc thực hiện mô hình giảm nghèo phát huy hiệu quả, ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: “Hàng năm, Sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phân bổ kinh phí thực hiện giải pháp tạo việc làm cho người nghèo. Sau đó, tiến hành khảo sát một số mô hình giảm nghèo có hiệu quả và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế địa phương, phù hợp với nhu cầu hộ nghèo, cận nghèo và ký hợp đồng với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, cơ sở dạy nghề, Hội, đoàn thể thực hiện xây dựng và nhân rộng. Đồng thời, sau khi triển khai thực hiện mô hình đều tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm, phương thức tổ chức, mô hình hiệu quả thì nhân rộng và tiếp tục hỗ trợ cho những hộ nghèo khác cùng vươn lên thoát nghèo”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.