Ia Pa nhân rộng cánh đồng mẫu lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tự nguyện phá bỏ các bờ lô, bờ thửa đã tồn tại bao đời, hàng chục nông dân người Jrai ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai  đã hợp thửa để cùng nhau tạo dựng những cánh đồng mẫu lớn trồng mía, mì, lúa... cho năng suất và hiệu quả vượt trội.

Góp đất làm ăn lớn

Khu vực 4 xã phía Đông sông Ba gồm Ia Broăi, Ia Tul, Chư Mố và Ia Kdăm thuộc huyện Ia Pa có khoảng 5.000 ha đất nông nghiệp không chủ động được nước tưới. Hàng năm, người dân chỉ dựa vào nước trời để sản xuất 1 vụ lúa cạn hoặc mì, mè nhưng năng suất thấp, không ổn định; thời gian còn lại thì bỏ hoang do thiếu nước. Tình thế khó khăn đó bắt đầu được tháo gỡ từ đầu năm 2016, khi chính quyền vào cuộc phối hợp với doanh nghiệp để vận động người dân dồn điền, góp đất xây dựng cánh đồng mẫu lớn trồng mía, mì, lúa có tưới nước.

 

Cánh đồng lúa mẫu lớn xã Ia Tul. Ảnh: T.Đ
Cánh đồng lúa mẫu lớn xã Ia Tul. Ảnh: T.Đ

Với mục đích giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai cùng chính quyền xã Chư Mố đã vận động các hộ dân có đất nằm liền kề nhau cùng hợp thửa để thực hiện cánh đồng mía mẫu lớn tại cánh đồng Knông. Hiện tại đã có 23 hộ dân tình nguyện góp 24,6 ha đất để thực hiện chương trình này. Công ty tổ chức làm dịch vụ cơ giới hóa từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch mía; chuyển giao cho nông dân giống mía mới năng suất cao. Công ty cũng cử cán bộ cùng tham gia giám sát, hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư 100% chi phí sản xuất như làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên thu mua dứt điểm sản lượng mía; bảo hiểm lợi nhuận cho nông dân trong 3 vụ đầu...

Ông Rah Lan Ký (buôn Ơi Briu 2)-nhóm trưởng cánh đồng mía mẫu lớn ở xã Chư Mố cho hay: Nhóm chúng tôi có 3 hộ tình nguyện góp 6,3 ha đất liền kề để trồng mía. Đây là lần đầu tiên cây mía xuất hiện trên cánh đồng rộng lớn này. Trong thời gian qua, dù nắng hạn nhưng các thành viên trong nhóm đã tích cực bơm tưới nước từ hệ thống giếng khoan, tưới béc được Nhà máy Đường Ayun Pa đầu tư nên so với các nơi khác ruộng mía của chúng tôi tốt hơn nhiều.

 

Ông Huỳnh Vĩnh Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa: “Cái được nhiều nhất ở đây là người dân tộc Jrai địa phương đã đổi mới được nếp nghĩ, cách làm. Họ đã biết loại bỏ tư tưởng sở hữu manh mún, tự nguyện dỡ bỏ bờ lô, bờ thửa trên mảnh ruộng, đám rẫy của mình được thừa kế từ thời cha ông để góp đất, hợp thửa cùng nhau làm ăn lớn”.

Cùng chung niềm vui khi triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn là 25 hộ nông dân các buôn Tơ Khế, Biah A và buôn Lanh (xã Ia Tul) đã tự nguyện góp 30 ha đất sát bờ sông Tul để tham gia mô hình trồng mì mẫu lớn có tưới nước. Chị Nay H’Phem (buôn Biah A, xã Ia Tul) phấn khởi cho biết: Được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa đầu tư phân bón, hom giống mì cao sản KM419, đưa máy xuống cày đất và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc… với định suất 18 triệu đồng/ha, cuối vụ thu hoạch lại bao tiêu sản phẩm nên người dân rất phấn khởi để tham gia trồng mì mẫu lớn. Gia đình tôi cũng góp 5 ha để tham gia.

Triển vọng cho vùng đất khát

Vụ mùa vừa rồi, xã Ia Tul đã thực hiện thành công mô hình cánh đồng lúa mẫu lớn rộng 30 ha do Hợp tác xã Nông nghiệp đứng ra chủ trì tại cánh đồng Trạm bơm số 3. Các hộ nông dân người Jrai đã tự nguyện phá bỏ bờ ruộng liền kề để góp đất với nhau thực hiện “4 cùng”: cùng làm đất, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch nên vừa tiết kiệm được nước tưới để chống hạn lại tiết kiệm các chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu… Qua thu hoạch, năng suất đạt hơn 6 tấn/ha, cao hơn cách làm cũ gần 1 tấn/ha.

Qua đánh giá sơ bộ của ngành Nông nghiệp và PTNT địa phương, các mô hình cánh đồng mẫu lớn đều cho kết quả vượt trội so với cách làm nhỏ lẻ manh mún của người dân lâu nay. Trong đó, cánh đồng mía mẫu lớn ở xã Chư Mố tổng diện tích 24,6 ha phát triển xanh tốt hơn hẳn rẫy mía không tham gia mô hình để đối chứng bên cạnh; năng suất dự kiến đạt 70 tấn/ha, đạt doanh thu 63 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân đạt lợi nhuận trên 21 triệu đồng/ha. Cánh đồng mì mẫu lớn tổng diện tích 30 ha tại xã Ia Tul cho năng suất 30 tấn/ha; doanh thu đạt 30 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư 18 triệu đồng/ha, nông dân đạt lợi nhuận trên 10 triệu đồng/ha (do giá mì xuống thấp, dự kiến ban đầu lợi nhuận đạt 20 triệu đồng/ha)…

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.