Thị trường Gia Lai giá cả biến động theo xăng dầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xăng liên tục tăng giá, vàng lao dốc, giá cà phê giảm, trong khi giá một số mặt hàng thực phẩm lại tăng lên…

  Giá vàng giảm, nhiều người quan tâm. Ảnh: L.L
Giá vàng giảm, nhiều người quan tâm. Ảnh: L.L

Một trong những mặt hàng được quan tâm nhiều nhất hiện nay là xăng dầu, bởi đây là mặt hàng tác động trực tiếp đến hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày. Trong đó, việc Liên bộ Tài chính-Công thương điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào chiều 5-10 “đánh dấu” sự biến động tăng một chiều của xăng dầu liên tiếp 4 lần trong vòng 2 tháng gần đây, đẩy giá xăng dầu trên thị trường Gia Lai (khu vực II) tăng lên đáng kể.

Ngược với sự tăng giá của xăng dầu, giá vàng mấy ngày gần đây lại giảm, có thời điểm giá vàng giảm “thủng đáy” với giá chỉ khoảng 35 triệu đồng/lượng SJC. Khảo sát tại Gia Lai ngày 7-10, giá vàng SJC bán ra là 35,46 triệu đồng/lượng, mua vào 35,2 triệu đồng/lượng; giá vàng khâu (vàng ta) là 3,440 triệu đồng/chỉ. Tuy không xảy ra hiện tượng chen lấn mua vàng nhưng vàng giảm cũng được nhiều người quan tâm. Chị Ngọc Thúy (phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho biết: “Đọc tin trên mạng thấy giá vàng giảm nên mình cũng ráng mua 1 chỉ để dành mai mốt đi đám cưới em trai; đằng nào cũng phải mua nên tranh thủ lúc rẻ mua luôn”. Trong khi đó, anh Minh Hùng (tổ 4, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) lại cho rằng vàng “nhảy múa” khó đoán như vậy thì không nên đầu tư vì giá vàng Việt Nam vẫn cao hơn giá thế giới… Thực tế cho thấy, đa số người dân mua vàng thời điểm này chủ yếu là dể dành, tiết kiệm với số lượng nhỏ lẻ, còn giới đầu tư lớn lại khá thận trọng.

Theo ông Hoàng Ngọc Minh-Chủ tiệm vàng Vĩnh Thạnh (TP. Pleiku) thì: “Lượng khách giao dịch vàng hiện khá ổn định, đa số khách mua vì nhu cầu. Không có tình trạng ồ ạt mua-bán giống như trước đây mỗi khi giá vàng giảm hoặc tăng. Hơn nữa, ở Gia Lai thị trường vàng thường chỉ nhộn nhịp vào dịp cuối năm và mùa thu hoạch cà phê”.

Bên cạnh đó, tình hình giá cà phê liên tục biến động bất lợi trong thời gian qua cũng ảnh hưởng khá lớn đến tình hình xuất khẩu cà phê của tỉnh. Trong 9 tháng năm 2016, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 100.762 tấn/173,4 triệu USD (tăng 52,77% về lượng, tăng 43,84% về giá trị). Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 1.720 USD/tấn, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2015. Đáng nói là giá thu mua nội địa có sự biến động giảm liên tục, nếu như ngày 29-9 đang ở mức 41.400 đồng/kg thì ngày 6-10 chỉ còn 41.200 đồng và ngày 7-10 giảm tiếp ở mức 41.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu hạt tăng nhẹ từ 142.000 đồng/kg (ngày 29-9) lên 145.000 đồng/kg (ngày 6-10).

Dạo quanh các chợ, giá cả một số mặt hàng thực phẩm cũng biến động nhẹ. Cụ thể, giá thịt heo hơi đối với loại heo ép tăng nhẹ, từ 60.000 đồng/kg lên 62.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo chị Linh Giang-chủ một sạp ở chợ đêm Pleiku thì dù giá heo hơi tăng thêm 2.000 đồng/kg nhưng giá bán heo thịt không tăng, do hàng bán chậm. Giá cá biển cũng tăng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg tùy loại. Riêng giá các loại rau củ vẫn giữ ổn định…

 Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.