Gia Lai tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xây dựng nông thôn mới (NTM) để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị của tỉnh Gia Lai.

   Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.                Ảnh: Đ.T
Chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Đ.T

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Gia Lai phấn đấu nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 80 xã, chiếm 43,4% tổng số xã của tỉnh và bình quân đạt 16,69 tiêu chí/xã. Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu có 4 địa phương hoàn thành chương trình xây dựng NTM là: TP. Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và huyện Đak Pơ.

Với mục tiêu này, nguồn lực cần cho chương trình dự kiến là hơn 15.365 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước cân đối gần một nửa, còn lại sẽ huy động từ các nguồn lực khác nhau như vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, vốn đóng góp của cộng đồng và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Đặc biệt, để góp phần đẩy nhanh chương trình xây dựng NTM, nhất là ở các xã biên giới, tỉnh đã xây dựng “Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, 7 xã biên giới thuộc 3 huyện: Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông được chọn đưa vào vùng thực hiện đề án.

Tổng nguồn vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững gắn với xây dựng NTM, giúp các xã trong vùng đề án sớm đạt được bộ tiêu chí về NTM; từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên tuyến biên giới. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2020 có thêm 6 xã biên giới đạt 19 tiêu chí NTM.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên, đa số các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới đang trong tình trạng chậm phát triển, do đó cần thực hiện việc lồng ghép các chương trình, chính sách đầu tư gắn với xây dựng NTM để mang lại hiệu quả tốt nhất, đặc biệt là phải thực hiện quy hoạch sản xuất gắn với việc gia tăng giá trị sản xuất tại khu vực biên giới, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của từng vùng…

 

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành vừa ký Quyết định số 712/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, kế hoạch này nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 có 43% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; số xã còn lại đảm bảo đạt 7 tiêu chí trở lên; góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn nông thôn...

Vĩnh Phúc

Mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 đã được xác định, song theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh thì xây dựng NTM thời gian qua đối diện với nhiều khó khăn trong thực hiện một số tiêu chí giao thông, thủy lợi, chợ, nhà ở dân cư, môi trường, tỷ lệ hộ nghèo.

Do địa bàn rộng, số lượng xã nhiều nên nhu cầu phát triển hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân rất lớn, trong khi khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ ngân sách địa phương và các nguồn khác chưa đáp ứng được nhu cầu vốn.

Phần lớn các xã đều cách xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn nên không thu hút được đầu tư vào khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, giá nông sản xuống thấp khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, phần nào hạn chế sự tham gia đóng góp của lực lượng này.

Tháo gỡ khó khăn này, tỉnh Gia Lai đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể cho giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung các nhóm nội dung chủ yếu là: hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo vệ và cải thiện môi trường, giữ vững và tăng cường an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn. Với quan điểm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh sẽ phát huy nguồn lực sẵn có, đầu tư vốn, vật tư, nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công để xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học.

Về kinh tế và tổ chức sản xuất, giải pháp của tỉnh là từng bước chuyển diện tích nương rẫy sang sản xuất cây công nghiệp ở vùng có điều kiện nước tưới; cho vay có hỗ trợ lãi suất phát triển chăn nuôi, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại; chú trọng việc giao đất sản xuất cho hộ nghèo; phát triển các hình thức hợp tác sản xuất giữa các hộ và nhóm hộ để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao; thực hiện bố trí dân cư qua việc hỗ trợ xây dựng đường, điện, nước, hỗ trợ tiền, đất ở, đất sản xuất…

Trong hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Bản chất của NTM là nâng cao mức sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần, chứ không chỉ là những công trình xây dựng cơ bản. NTM phải là nông thôn kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, là nông thôn trí thức, sáng tạo, gắn với giải quyết việc làm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa…

Dựa trên tinh thần đó, tỉnh Gia Lai cũng đề ra yêu cầu rất chặt chẽ trong thực hiện chương trình là phải sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong nhân dân và xã hội, xây dựng NTM phải đảm bảo chất lượng, các tiêu chí đạt được phải bền vững, tránh hình thức, chạy theo thành tích.

Thảo Nguyên
 

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.