"Đòn bẩy" cho xã nghèo Đak Pling

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc triển khai các chương trình nhằm mục tiêu cải thiện bền vững chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đặc biệt là người dân các vùng còn khó khăn, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Gia Lai (do Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế IFAD tài trợ) đã và đang giúp nhiều người nghèo ở xã vùng sâu Đak Pling có cơ hội thoát nghèo.

  Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Xã Đak Pling (cách trung tâm huyện Kông Chro 40 km về phía Đông) hiện có 409 hộ với 1.910 khẩu (người Bahnar chiếm 96,5%). Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm đến 66,9%. Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã là hơn 14.600 ha, chiếm 80,6% tổng diện tích tự nhiên. Với đặc điểm địa hình phân chia thành hai vùng khá rõ rệt: vùng đồi núi cao và trung bình, độ cao trung bình 600-700 mét so với mực nước biển, Đak Pling sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp và kết hợp mô hình canh tác nông lâm.

Dựa trên những đặc điểm đó, từ khi triển khai dự án đến nay, Ban phát triển xã Đak Pling phối hợp với Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn huyện Kông Chro đã xác định được 4 chuỗi giá trị. Trong đó, chuỗi giá trị chính là trồng bắp và 3 chuỗi giá trị phụ là nuôi bò, dê và heo. Đây là những loại cây trồng, vật nuôi lâu năm ở địa phương, người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và chăn nuôi. Hiện nay, Ban Phát triển xã Đak Pling đã thành lập được 34 nhóm cùng sở thích với 289 thành viên (288 hộ dân tộc thiểu số), trong đó 212 hộ nghèo, cận nghèo. Để hỗ trợ các thành viên trong nhóm về kỹ thuật canh tác, Ban Phát triển xã đã tổ chức 5 lớp tập huấn về lập kế hoạch kinh doanh cho đại diện các nhóm cùng sở thích, đồng thời tạo điều kiện để các nhóm liên kết ngành hàng với các doanh nghiệp trong việc cung ứng đầu vào, đầu ra sản phẩm. Tới nay, 27/34 nhóm đã có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xã đã thành lập được quỹ xã hội và duy trì mô hình Quỹ tiết kiệm phụ nữ. Từ nguồn quỹ này đã thành lập được 1 nhóm tiết kiệm vay vốn với 10 thành viên, giải ngân cho 10 lượt người vay với tổng số tiền là 50 triệu đồng.

Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp cho các thành viên tham gia dự án, từ năm 2012 đến năm 2015, với nguồn vốn từ quỹ phát triển cộng đồng, Ban Phát triển xã đã triển khai thực hiện nâng cấp, sửa chữa hệ thống dẫn nước tự chảy ở các làng Mèo Lớn và Mèo Nhỏ, bao gồm: xây mới 5 bể chứa nước, sửa chữa 8 bể chứa nước, đào đường ống và phụ kiện; xây dựng 1.094 mét đường giao thông, 1.462 mét kênh mương thủy lợi, hỗ trợ làm 10 chuồng trại chăn nuôi gia súc và 1 máy sạc bắp phục vụ cho sản xuất của các nhóm.

Quỹ CDF quay vòng vật tư đã triển khai tài trợ cho 4 nhóm chung sở thích với số tiền giải ngân là 180 triệu đồng. Hiện tại, các nhóm đã chủ động đầu tư sản xuất. Cụ thể như nhóm CIG trồng bắp làng Mèo Nhỏ với 13 thành viên gồm 8 hộ nghèo và cận nghèo đã đạt được kết quả rất khả quan từ nguồn vốn 106,7 triệu đồng hỗ trợ của dự án. “Tham gia tiểu dự án, các thành viên trong nhóm nắm bắt được việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… đúng số lượng, thời gian. Mặc dù những năm vừa qua, thời tiết nắng hạn kéo dài và giá cả thị trường biến động theo chiều hướng không có lợi cho người dân nhưng một số diện tích bắp của các hộ thành viên trong nhóm vẫn đạt năng suất cao. Đơn cử như vườn bắp gia đình anh Đinh Bốc đạt 5,2 tấn/ha, anh Đinh Pôi đạt 5,4 tấn/ha... Đặc biệt, với sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ Ban Quản lý dự án, Ban Phát triển xã, các thành viên trong nhóm đã liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, thoát khỏi sự phụ thuộc vào các tư thương”-anh Đinh Mênh, trưởng nhóm CIG trồng bắp làng Mèo nhỏ chia sẻ.

“Năm 2016, Ban Phát triển xã sẽ tập trung hoàn thành, nghiệm thu để đưa vào sử dụng công trình kênh mương thủy lợi làng Mèo Lớn; lựa chọn nhóm điển hình tổ chức tuyên truyền giới thiệu các mô hình nhóm thành công; tiếp tục các hoạt động củng cố và hỗ trợ năng lực cho các nhóm CIG được thành lập trong phạm vi dự án để đảm bảo các nhóm đủ năng lực; cấp vốn hỗ trợ quỹ quay vòng CDF cho các nhóm CIG... để hoàn thành các mục tiêu của dự án đã đề ra, đem lại lợi ích trọn vẹn cho các hộ thành viên tham gia”-ông Đinh Văn Cư-Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Phát triển xã Đak Pling nhấn mạnh.

 Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.