Tăng cường giải pháp quản lý bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Thông báo số 191/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, hiện nay diện tích rừng tại các tỉnh Tây Nguyên bị suy giảm 180.000 ha so với năm 2010, độ che phủ của rừng giảm từ 51,9% xuống còn 45,8%; trữ lượng gỗ giảm 57 triệu m3. Riêng Gia Lai, năm 2015, diện tích có rừng là 625.432,94 ha; năm 2008 là 727.337,30 ha. Thống kê trên cho thấy mức độ suy giảm rừng trên địa bàn Gia Lai đã đặt công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng mới rừng nâng độ che phủ là hết sức cấp thiết.

7 năm giảm hơn 104.056 ha rừng

Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2014 thì diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là 623.280,76 ha, độ che phủ 40,1%, giảm 104.056,54 ha diện tích rừng và 5,9% độ che phủ rừng so với năm 2008. Theo nhìn nhận của cơ quan chuyên môn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh bị suy giảm mạnh trong thời gian qua, trong đó có nguyên nhân chuyển 29.188,51 ha đất có rừng tự nhiên nghèo sang trồng cao su, chuyển rừng sang trồng các loại cây trồng khác… Ông Huỳnh Quang Thái-Bí thư Huyện ủy Ia Grai cho rằng: Công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến so với những năm trước. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra do lợi nhuận từ rừng quá lớn, trong khi cơ chế chính sách còn những bất cập, nhất là chế độ đãi ngộ lực lượng chức năng và liên quan chưa thỏa đáng…

 

Khai thác gỗ trái phép làm suy giảm chất lượng rừng.    Ảnh: N.D
Khai thác gỗ trái phép làm suy giảm chất lượng rừng. Ảnh: N.D

Cũng với nguyên nhân rừng suy giảm, ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều hạn chế như tình trạng dân di cư tự do, nhu cầu gỗ gia dụng trong dân lớn nhưng chưa có chính sách phù hợp để giải quyết. Một bộ phận lâm tặc chuyên sống bằng nghề rừng, khai thác gỗ trái phép làm suy giảm chất lượng rừng. Bên cạnh đó, mức lương của lực lượng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng ở các Ban Quản lý Rừng phòng hộ và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp thấp, lại không được trang bị công cụ hỗ trợ. Một số chính sách không phù hợp với vùng đặc thù Tây Nguyên. Việc xử lý các vụ vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất rừng lấy đất sản xuất chưa nghiêm.

Trả lại màu xanh cho rừng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV (nhiệm kỳ 2016-2020) khẳng định: Triển khai quyết liệt công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng trồng. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông-lâm nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ… Cụ thể hóa nội dung nghị quyết này vào thực tiễn, các địa phương và cơ quan chức năng đã đưa ra những giải pháp căn cơ. Theo ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang: Bên cạnh việc củng cố các Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp cần quản lý chặt chẽ đầu vào các cơ sở, công ty chế biến lâm sản. Kbang sẽ tập trung phát triển cây sa nhân tím dưới tán rừng; phát triển cây mắc ca để nâng cao thu nhập cho người tham gia giữ rừng. Trung ương và tỉnh cần hỗ trợ các Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp để giao khoán cho hộ dân quản lý và bảo vệ  rừng với mức giá cao hơn so với hiện nay. Tổ chức hướng dẫn bà con sản xuất lúa nước để giảm áp lực từ rừng. Đặc biệt, huyện đang tập trung trồng rừng trên những diện tích người dân lấn chiếm. Còn theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Cần rà soát, đánh giá lại quy hoạch một cách rạch ròi trên cơ sở 3 loại rừng, từ đó quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, mạnh dạn giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý; củng cố lực lượng quản lý bảo vệ rừng… thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Tại hội nghị chuyên đề về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh mới đây, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Tăng cường năng lực, nâng cao trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân không làm tốt trách nhiệm được giao để xảy ra vi phạm về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. Triển khai quyết liệt công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng trồng. Đi đôi, rà soát diện tích các khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp đã ổn định lâu dài của dân đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp và giao về cho địa phương quản lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân ổn định sản xuất. Xây dựng phương án giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Giao đất lâm nghiệp về cho chính quyền địa phương để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ làm cơ sở  hỗ trợ các hộ tham gia phát triển rừng. Tổng rà soát cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản có nguồn gốc nguyên liệu từ rừng tự nhiên, kiên quyết di dời về khu công nghiệp hoặc khu vực tập trung tại địa bàn thị trấn, thị xã, thành phố để quản lý. Kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm; không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất. Tỉnh sẽ xây dựng văn bản quy định trình tự thủ tục giải quyết nguồn gỗ sử dụng vào mục đích làm nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sống gần rừng, trình Bộ Nông nghiệp và PTNT cho ý kiến chỉ đạo trước khi tổ chức thực hiện. UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020. Tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xây dựng và ban hành nghị quyết về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu trồng rừng và tỷ lệ che phủ rừng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2016-2020).

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.