Hiệu quả kinh tế từ mô hình bơ Booth

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắm bắt được lợi thế về đất đai, khí hậu cho việc trồng bơ Booth nên ông Nguyễn Văn Đoàn (Làng Yon-xã Ia Glai-huyện Chư Sê) đã trồng loại cây này trên diện tích cây hồ tiêu đã già cỗi. Sau 3 năm, 150 cây bơ Booth của gia đình ông Đoàn đã phát triển nhanh và cho năng suất cao.

Vô tình biết đến cây bơ Booth trên một chương trình truyền hình của VTV2, ông Nguyễn Văn Đoàn đã cảm thấy hứng thú với giống bơ có cái tên khá lạ này. Trước khi quyết định trồng, ông đã trực tiếp đi tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc tại các nhà vườn ở tỉnh Đak Lak. Ông Đoàn nhận thấy, giống bơ Booth này không kén đất và dễ trồng, ít bị sâu bệnh, vốn đầu tư không cao, lại phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương. Ngay sau đó, ông đã mua giống từ Trung tâm giống cây trồng Viện Ea Kmat Tây Nguyên mang về trồng.

 

Sau 3 năm, vườn bơ Booth đã cho thu hoạch. Ảnh: Trần Dung
Sau 3 năm, vườn bơ Booth đã cho thu hoạch. Ảnh: Trần Dung

Ông Đoàn chia sẻ về những hiểu biết của mình: “Giống bơ Booth này có nguồn gốc từ vùng Florrida của nước Mỹ. Được các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu miền Nam mang về trồng thử nghiện tại vùng đất Tiền Giang vào năm 1998. Sau 2 thử nghiệm tại đây từ năm 1998 cho đến năm 2000 thì giống bơ này đã được đưa về và thử nghiệm tại viện Ea Kmat. Tính đến thời điểm này thì giống bơ Booth đã thích nghi được với môi trường tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với những lợi thế của nó, gia đình tôi đã quyết định phá bỏ diện tích hồ tiêu kém chất lượng để trồng thử nghiệm loại cây này”.

Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn bơ đang giai đoạn sung sức và cho thu hoạch mùa đầu tiên, ông Đoàn vui vẻ giải thích thêm về ưu điểm của giống bơ này là cho thu hoạch sau vụ bơ chính khoảng 2 đến 3 tháng (tức là từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm). Đặc biệt, loại bơ này có vỏ màu xanh đậm, quả to và đều, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao, trung bình khoảng 2 đến 3 quả/kg. Việc đầu tư trồng bơ cũng không đòi hỏi nguồn vốn lớn, với 1 ha đất chỉ cần khoảng vài chục triệu đồng gồm tiền giống, công, phân bón. Với cây bơ Booth, chỉ cần dọn vườn rồi đào hố vừa phải, bón lót phân chuồng xong đợi khi mùa mưa đến thì xuống giống. Hiện nay, vườn bơ Booth của ông sinh trưởng mạnh, cành to, khỏe, khả năng phát triển cành, tán khá mạnh, tỉ lệ ra hoa đậu quả cao. Từ năm thứ 3, vườn bơ đã cho thu hoạch.

Do được chăm sóc tốt nên mỗi cây bơ Booth có thể thu về xấp xỉ 100 kg/năm. Hiện bơ Booth được thương lái thu mua với giá từ 50.000 đến 80.000 đồng/kg/. “Từ khi hái xuống thì phải đến 10 tới 12 ngày sau thì bơ mới chín cùng với hình thù trái tròn, vỏ dày cứng và chắc nên bơ Booth rất thuận tiện khi vận chuyển. Giai đoạn đầu thu hoạch, vườn bơ đã đem về cho gia đình tôi trên 300 triệu”-Ông Đoàn cho biết thêm. Thời gian tới, gia đình ông sẽ mở rộng diện tích trồng bơ Booth theo phương thức trồng bơ xen cà phê. Với mô hình này, trên một đơn vị diện tích người trồng có thể thu được nhiều sản phẩm, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, ông Đoàn cũng đã tìm hiểu và tiến hành ghép cây bơ địa phương với giống bơ Booth để cho ra năng suất và chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Bi-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Glai (Huyện Chư Sê) cho biết: “Mô hình trồng bơ Booth đang mở ra một hướng làm giàu mới cho người nông dân trên địa bàn. Mô hình này rất cần được nhân rộng ở những nơi có điều kiện phù hợp để nông dân tăng thu nhập, làm giàu một cách bền vững. Vì vậy, sau khi theo dõi sự phát triển và hiệu quả kinh tế của giống bơ này, hội viên Hội nông dân xã cũng đã học tập theo cách làm của hộ gia đình ông Đoàn. Được ông Đoàn hướng dẫn và chỉ bảo cách trồng cụ thể, hiện nhiều hộ trong xã đã bắt đầu xuống giống và đầu tư trồng bơ Booth”.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.