Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Diễn biến khá bất thường thời tiết trong mùa mưa bão là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát tán và lây lan trên diện rộng. Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm; thời gian qua, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Thiện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng-chống dịch bệnh.

Phòng-chống dịch bệnh trong mùa mưa bão góp phần hạn chế thiệt hại về mặt kinh tế cho người chăn nuôi.  Ảnh: Quang Tấn
Phòng-chống dịch bệnh trong mùa mưa bão góp phần hạn chế thiệt hại về mặt kinh tế cho người chăn nuôi. Ảnh: Quang Tấn

Huyện Phú Thiện là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của tỉnh với gần 200 ngàn con gia súc, gia cầm; trong đó, đàn trâu bò chiếm khoảng 27 ngàn con, đàn heo trên 22 ngàn con, tổng đàn gia cầm (chủ yếu gà và vịt) chiếm khoảng 150 ngàn con. Do đó, việc làm tốt công tác phòng-chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn trong mùa mưa bão nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ông Kim Ngọc Lượng-Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Thiện cho biết: Để hạn chế thấp nhất sự xuất hiện của dịch bệnh trong mùa mưa bão, ngay từ đầu mùa mưa, Trạm đã phối hợp chính quyền các xã, thị trấn, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh các cấp triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường xung quanh. Theo đó, Trạm đã phối hợp phun 340 lít hóa chất Benkocid, 18 lít hóa chất Nova cide và rãi 60 kg vôi bột tại 4 chợ kinh doanh, buôn bán, các điểm tập kết, cơ sở thu gom gia cầm, gia súc… trên địa bàn 10/10 xã thị trấn.

Bên cạnh đó, Trạm cũng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn tổ chức quét dọn sạch sẽ chuồng trại, kiểm tra, nâng cấp cải tạo chuồng nuôi, không để ngập úng; dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ xung quanh khu vực chăn nuôi; thường xuyên cọ rửa dụng cụ chăn nuôi, kinh doanh, sản xuất; thu gom phân, chất thải, chất độn chuồng trại và hướng dẫn người dân cách xử lý để diệt mầm bệnh. 

 

Bệnh lở mồm long móng là một trong những dịch bệnh có tính truyền nhiễm và lây lan nhanh.  Ảnh: Quang Tấn
Bệnh lở mồm long móng là một trong những dịch bệnh có tính truyền nhiễm và lây lan nhanh. Ảnh: Quang Tấn

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu và cách phòng-chống các loại bệnh thường gặp như: tụ huyến trùng, lở mồm long móng, dịch tả, tai xanh, phó thương hàn… trên đàn trâu, bò, heo. Qua đó, phát hiện và cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện nhiễm bệnh, tránh tình trạng bệnh có thể lây lan sang các vật nuôi khác.

Song song với công tác phun thuốc, tiêu độc, vệ sinh môi trường, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cũng tập trung phòng bệnh bằng vắc xin đối với các dịch bệnh truyền nhiễm có tính chất lây lan nhanh và mạnh. Theo đó, Trạm đã triển khai tiêm phòng xong 17.350 liều vắc xin Tụ huyến trùng trên đàn trâu bò, 16.000 liều vắc xin dịch tả và kép cho đàn heo.

Phòng-chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trước, trong và sau mùa mưa bão cần được các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện thường xuyên, liên tục và sự quan tâm từ các cấp quản lý để đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, từ đó giảm bớt thiệt hại về mặt kinh tế cho người chăn nuôi.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.