Chính sách bảo hiểm thất nghiệp:"Phao cứu sinh" cho người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được triển khai từ năm 2009, chính thức chi trả chế độ từ 1-1-2010, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã có những tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội. Tuy nhiên, đến nay một số người lao động và chủ sử dụng lao động vẫn chưa nắm rõ về nguyên tắc, quyền lợi chính sách BHTN.

Tại buổi tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động về chính sách BHTN ở Công ty Cà phê Ia Sao 2 (huyện Ia Grai) và Nhà máy Đường An Khê  (thị xã An Khê) mới đây, ông Nguyễn Xuân Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh cho biết, tại một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, không chỉ người lao động mà chủ sử dụng lao động và tổ chức công đoàn đều cho rằng tham gia BHTN là để sau này khi mất việc làm được hưởng chế độ hàng tháng như chế độ hưu trí. “Khi nghe người lao động và chủ sử dụng trao đổi như vậy, chúng tôi phải phân tích thật cụ thể từng chế độ, quyền lợi, trách nhiệm của người lao động và chủ sử dụng lao động; trách nhiệm của tổ chức công đoàn khi tham gia BHTN”-ông Hùng nói.

 

Tuyên truyền chính sách BHTN tại Nhà máy Đường An Khê.    Ảnh. Đ.Y
Tuyên truyền chính sách BHTN tại Nhà máy Đường An Khê. Ảnh. Đ.Y

Theo ông Hùng, chính sách BHTN là nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập tạm thời dành cho những người lao động bị mất việc làm. Song người lao động khi bị mất việc làm để hưởng chế độ BHTN phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của pháp luật về BHTN, cụ thể là: đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng đối với hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng và đã nộp đầy đủ đúng quy định hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Mức TCTN hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi mất việc làm, nhưng không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Luật Lao động đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương mà người sử dụng lao động đóng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc. Thời gian hưởng TCTN được quy định như sau: Đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN; đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng; các tháng lẻ, năm lẻ được bảo lưu cho lần hưởng tiếp theo.

Mặc dù khoản TCTN chỉ là một phần thu nhập khi mất việc làm nhưng thực sự đó là “phao cứu sinh”, giúp người lao động có thu nhập khi bị mất việc làm. Mặt khác, chính sách BHTN còn hỗ trợ người lao động được học nghề, được hỗ trợ tìm việc làm, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Trao đổi với chúng tôi, chị Võ Thị Hòa (công nhân Nhà máy Đường An Khê), cho biết: “Tôi tham gia BHTN từ đầu năm 2009 khi chính sách bắt đầu có hiệu lực. Thời gian qua, vì chuyện gia đình tôi xin nghỉ làm công nhân. Tôi được nhà máy giải quyết đầy đủ chế độ, chính sách liên quan. Theo mức đóng BHTN, tôi được hưởng trợ cấp là 6 tháng. Đang chưa biết xoay xở tìm việc làm mới cho phù hợp với điều kiện của mình thì có tiền TCTN 6 tháng cũng đỡ khó phần nào trong cuộc sống. Trong 6 tháng nhận TCTN tôi còn được hưởng bảo hiểm y tế và được giới thiệu việc làm mới từ Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh”.

Đối với doanh nghiệp, từ khi triển khai chính sách BHTN, họ không còn phải trích 1% lương cơ bản để trợ cấp thôi việc khi có lao động nghỉ việc. Trước đây, nếu vào một thời điểm nhất định, lao động nghỉ việc nhiều thì việc doanh nghiệp cân đối tiền để chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động sẽ gặp khó khăn. Nhưng từ năm 2009, khi chính sách BHTN đi vào cuộc sống, người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước cùng tham gia nên đỡ đi rất nhiều cho doanh nghiệp trong việc giải quyết trợ cấp thôi việc cho người lao động. Hàng tháng, doanh nghiệp chỉ trích 1% tổng quỹ lương của mình để đóng vào quỹ BHTN cho người lao động. Khẳng định về sự thiết thực của chính sách này, ông Nguyễn Xuân Hùng nói thêm: “Khi bị thất nghiệp, người lao động không chỉ được TCTN mà còn được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, được hỗ trợ học nghề để có nhiều cơ hội chuyển đổi việc làm và được hưởng bảo hiểm y tế trong suốt thời gian tìm việc; đối với doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh. Như vậy, khi tham gia BHTN, người lao động có nhiều quyền lợi ưu đãi hơn đối với các chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đây khi chính sách BHTN chưa đi vào cuộc sống”.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách BHTN vẫn còn gặp một số khó khăn do nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động vẫn chưa đầy đủ. Theo ông Hùng thì để chính sách ngày càng lan tỏa sâu rộng vào đời sống thì ngoài sự nỗ lực của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, ngành Bảo hiểm Xã hội còn rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các đơn vị sử dụng lao động để người lao động được tham gia và thụ hưởng quyền lợi theo đúng nghĩa an sinh xã hội.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.