Tín dụng đầu tư cho cây hồ tiêu tăng mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hồ tiêu là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất ở tỉnh ta hiện nay. Vì vậy, thời gian qua, người dân nhiều địa phương trong tỉnh đã đổ xô trồng mới hồ tiêu. Điều này kéo theo tín dụng đầu tư cho cây hồ tiêu cũng tăng lên đáng kể.

Huyện Chư Pưh là một trong những địa phương có diện tích cây hồ tiêu lớn của tỉnh với 2.726 ha. Ông Tạ Văn Lâm-chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, cho biết: Theo kế hoạch, năm nay toàn huyện Chư Pưh sẽ phát triển thêm 47 ha hồ tiêu nhưng mới đến nửa năm, diện tích đã tăng đến 54 ha. Trong đợt hạn vừa rồi, diện tích hồ tiêu của huyện bị ảnh hưởng lên đến 440 ha, trong đó bị chết 64 ha. Cùng với đó, tình hình nhiễm bệnh như vàng lá thối rễ, bệnh thối gốc, rệp sáp gốc, đốm đen lá… cũng ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây.

 

Nhiều nông dân đang đổ xô trồng hồ tiêu, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.
Nhiều nông dân đang đổ xô trồng hồ tiêu, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

Lợi nhuận cao từ cây hồ tiêu đã kích thích nông dân đổ xô trồng loại cây này bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Hộ ông Trần Văn Nuôi (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa) sau khi gặp thất bại vì tiêu chết đã quyết định vay vốn từ ngân hàng để tiếp tục trồng lại 6.000 trụ tiêu. Hay hộ bà Võ Thị Ngọc Ẩn (thôn Hòa Thành, xã Ia Phang) đã mạnh dạn vay thêm 2,5 tỷ đồng để đầu tư. Bà Ẩn cho biết: Từ diện tích nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, vườn tiêu của gia đình tôi đã tăng lên 12.000 trụ. Sắp tới, tôi dự định sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, nếu quỹ đất trên địa bàn không còn sẽ đầu tư ở địa phương khác.

Người chưa trồng hồ tiêu thì cố gắng xoay xở vốn trồng bằng mọi giá; người trồng có kinh nghiệm rồi thì đầu tư mở rộng diện tích dù giá thành đầu tư trồng tiêu liên tục tăng. Trước mắt có thể thấy, cây hồ tiêu không những góp phần nâng cao thu nhập mà ngày càng giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú. Vùng đất trù phú Chư Pưh đâu đâu cũng bạt ngàn hồ tiêu với rất nhiều mô hình trang trại quy mô lớn được hình thành.

Việc người dân đổ xô trồng hồ tiêu đã thúc đẩy tín dụng trên địa bàn huyện Chư Pưh tăng trưởng rõ rệt. Hiện tổng dư nợ cho vay của 3 tổ chức tín dụng đang đứng chân trên địa bàn huyện đã đạt 1.200 tỷ đồng, trong đó cho vay phát triển hồ tiêu chiếm tỷ trọng rất lớn. Theo ông Lưu Minh Hùng-Giám đốc Agribank-Chi nhánh huyện Chư Pưh, cho vay phát triển hồ tiêu đang chiếm đến 70% tổng dư nợ 540 tỷ đồng của đơn vị. Tín dụng cho cây hồ tiêu đã tăng khoảng 10% so với cuối năm 2015. Ông Hùng cho biết thêm, bên cạnh việc tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng của Chi nhánh luôn được chú trọng đảm bảo tỷ lệ nợ quá hạn ở mức rất thấp (0,17%).

Trải qua đợt hạn vừa rồi, cây hồ tiêu ở Chư Pưh chịu tác động rất lớn. Theo những nhà chuyên môn, đối với những diện tích đã ảnh hưởng thì ít nhất phải 3 năm sau mới có thể hồi phục được. Còn theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, năng suất hồ tiêu trên địa bàn năm 2016 đạt 46,5 tạ/ha, trong khi năm 2015 là 47,5 tạ/ha và dự báo sẽ tiếp tục giảm. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất cây hồ tiêu, các ngành chức năng cần khuyến cáo, vận động người dân không chạy theo giá cả thị trường để mở rộng diện tích mà chỉ nên tập trung nâng cao chất lượng, tạo hướng phát triển bền vững trong sản xuất, tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.