Phát huy hiệu quả vốn chính sách ở vùng khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm qua, huyện Phú Thiện (Gia Lai) xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thương phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng-giá trị sản phẩm là nền tảng ổn định phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đây cũng là chìa khóa quan trọng góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, mở ra cơ hội việc làm cũng như thay đổi căn bản chất lượng cuộc sống của một bộ phận nhân dân còn đang khó khăn.

Cũng như nhiều gia đình ở thôn Kinh Môn, xã Chư A Thai, bà Nguyễn Thị Thoảng trải qua thời gian vất vả khi lập thân khởi nghiệp ở vùng đất mới. Với bản tính nhanh nhẹn, xốc vác, bà Thoảng không nề hà bất cứ việc gì. Đất không phụ công người, sau mười mấy năm bám đất bám đồng, cần mẫn lao động, giờ đây bà Thoảng có trong tay gần 1 ha lúa, 2,7 ha mía, 5 con bò sinh sản, 1 ao cá và đàn heo thịt. Nhờ biết cách tính toán hợp lý và đầu tư đúng hướng theo mô hình kết hợp vườn-ao-chuồng mà thu nhập của gia đình ổn định, cả 3 người con có điều kiện ăn học.

 

Mía-cây trồng chủ lực của huyện Phú Thiện.      Ảnh: S.C
Mía-cây trồng chủ lực của huyện Phú Thiện. Ảnh: S.C

Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, bà Thoảng còn tích cực hoạt động trong chi hội phụ nữ kiêm vai trò tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (thuộc Ngân hàng Chính sách Xã hội-Phòng Giao dịch Phú Thiện). Qua nhiều năm làm cầu nối tín dụng chính sách ở cơ sở, bà Thoảng nhận thấy hoạt động của tổ vay gắn với phát triển kinh tế thực sự giúp tổ viên gần gũi-đoàn kết với nhau hơn. Đồng thời góp phần đáng kể nâng cao chất lượng công tác Hội tại địa phương.

Thông qua sinh hoạt ở tổ, bà nắm bắt từng hoàn cảnh gia đình. Những hộ làm ăn hiệu quả có khả năng trả lãi-trả gốc, có phương án sản xuất rõ ràng bà đề xuất hỗ trợ vốn đầu tư phát triển để nhân rộng mô hình. Trường hợp tổ viên quá khó khăn về kinh tế, bên cạnh ưu tiên nguồn vốn thì kết hợp thêm nguồn vốn từ Quỹ tương trợ của chi hội Phụ nữ để tổ viên vượt khó-thoát nghèo. Với hướng đi chủ lực là đầu tư trồng mía, nuôi bò cộng thêm đào ao thả cá, nuôi heo, gà, trồng khoai lang Nhật... mà nhiều tổ viên có nguồn thu nhập cao, quy mô sản xuất lên đến vài ha. Đáng mừng nhất là đã có 4 tổ viên khó khăn nhất thoát nghèo trong năm qua. Nói về vai trò của tín dụng chính sách, bà Thoảng chân tình cho biết: Đến thời điểm hiện nay, tổng dư nợ của tổ là 1,1 tỷ đồng/53 tổ viên mà phần lớn là dư nợ cho vay hộ nghèo, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, học sinh sinh viên, nước sạch-vệ sinh môi trường... Mặc dù mức vay chưa lớn nhưng tổ viên đã biết cách kết hợp với nguồn lực khác đầu tư nuôi bò làm vốn hoặc phát triển sản xuất.

Trong khi đó, sau gần 2 năm tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Kinh Môn, gia đình anh Trương Văn Ninh đã được vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và nước sạch-vệ sinh môi trường, với số tiền 30 triệu đồng. Anh mua bò kéo phục vụ sản xuất và cải thiện công trình phụ cho gia đình. Bên cạnh nguồn thu chính từ ruộng mía, gia đình anh còn trồng lúa, nuôi gà, thả cá để tăng thêm thu nhập. Một vấn đề mà hầu hết nông dân, hội viên trên địa bàn trăn trở là vốn vay chính sách xã hội còn khá hạn hẹp so nhu cầu thực tế của hộ vay. Nếu được nâng hạn mức thì cơ hội đầu tư phát triển sản xuất tăng lên, giảm bớt áp lực về tài chính cũng như giảm tình trạng đi vay lãi cao bên ngoài.  

Là một trong 2 ngân hàng chủ lực trên địa bàn, Ngân hàng Chính sách Xã hội-Phòng Giao dịch Phú Thiện là nguồn lực đầu tư quan trọng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội thông qua các chương trình tín dụng chính sách. Chỉ riêng giai đoạn 2011-2014, Phòng Giao dịch Phú Thiện đã cho vay 121,682 tỷ đồng gồm các chương trình: hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường; hỗ trợ nhà ở... Nguồn hỗ trợ này đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 18,08% (năm 2013) xuống còn 15,52% (năm 2015). Hộ nghèo-nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước thay đổi tư duy “vay-trả”, biết kết hợp nguồn lực, chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập bình quân.

Trao đổi về vấn đề này, ông Văn Công Hạnh-Giám đốc Phòng Giao dịch nhấn mạnh: Hiện nay, tổng nguồn vốn trên địa bàn đạt gần 185 tỷ đồng,  bằng 95% kế hoạch. Công tác cho vay luôn bám sát kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện, đặc biệt chú trọng đầu tư vốn phát triển cây-con chủ lực trên địa bàn. Việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác giúp nắm bắt tình hình, cho vay sát với nhu cầu thực tế đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại từng tổ vay, từng địa bàn. Chất lượng tín dụng nhờ đó ngày một nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,19%/tổng dư nợ.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.