Cây trồng, thực phẩm biến đổi gen: Lạ mà không mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2015, sau 10 năm nghiên cứu, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã quyết định cấp phép thương mại cho 3 giống bắp biến đổi gen đầu tiên, mở đường cho việc sản xuất đại trà GMC (cây trồng biến đổi gen) trên cả nước. Thực phẩm có GMO (sinh vật biến đổi gen) cũng đã có mặt trên thị trường. Nhưng đến nay khái niệm GMC, GMO vẫn còn xa lạ với nhiều người. Tại Gia Lai, không ít người ngỡ ngàng khi lần đầu biết đến cụm từ “thực phẩm biến đổi gen”.

Gần 20 năm qua, một số nước như Mỹ, Canada, Brazil… đã áp dụng công nghệ cây trồng GMC rộng rãi từ, trong khi khối châu Âu lại tỏ ra thận trọng, thậm chí phản đối do lo ngại những tác động tiêu cực đến sức khỏe. Hiện có khoảng 100 quốc gia cho phép tiêu thụ thực phẩm GMO (trong khi chỉ có 29 quốc gia cho phép trồng cây GMC) nhưng kèm theo những quy định về dán nhãn và quản lý chặt chẽ.

 

“Đã được cấp phép trồng đại trà tại Gia Lai”

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, 3 giống bắp đầu tiên được cấp phép thương mại gồm giống NK66 BT, NK66 GT và NK66 BT/GT của Công ty Syngenta Việt Nam, được tạo ra từ giống nền là giống bắp lai NK66. Giống biến đổi gen NK66 BT và NK66 BTGT cho hiệu quả phòng trừ sâu đục thân cao, khả năng kháng sâu thể hiện ở tất cả các bộ phận của cây, không bị hư hại do sâu đục thân gây hại. Hơn nữa, hầu hết các giống bắp biến đổi gen đều cho năng suất vượt trội so với giống nền. Theo kế hoạch, đến năm 2020, diện tích trồng các giống cây biến đổi gen sẽ chiếm 30-50% tổng diện tích đất trồng trọt trên cả nước. 3 giống cây được quan tâm đưa vào sản xuất là bắp, đậu nành và bông vải.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Quốc Bưởi-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng Gia Lai, đơn vị chuyên nghiên cứu và cung cấp giống cây trồng cho các địa phương có nhu cầu trong tỉnh-cho biết: Tại Trung tâm hiện chưa có giống GMC nào và cũng chưa có nơi nào hỏi mua GMC. Tuy nhiên, tại Gia Lai, nhiều doanh nghiệp lớn về giống đã “nhanh chân” hơn trong việc tổ chức trồng đại trà GMC, trong đó có Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam (thuộc Tập đoàn CP Thái Lan). Ông Nguyễn Tấn Tùng-Giám đốc Chi nhánh Công ty tại Gia Lai, cho biết: Sau khi có chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT, bắt đầu từ tháng 4-2016, Công ty đã đưa vào sản xuất vụ đầu tiên với 200 ha bắp biến đổi gen tại 3 huyện: Chư Prông, Kông Chro và Kbang. Trước đó, tháng 3-2016, giống bắp biến đổi gen C.P.501S của Công ty đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) công nhận đặc cách cho các vụ, vùng trồng bắp có áp lực cao về sâu đục thân và sử dụng thuốc trừ cỏ ở giai đoạn bắp 3-4 lá vùng đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Ông Tùng cũng cho biết thêm, không chỉ có Công ty này mà 2 công ty khác cùng lĩnh vực tại Gia Lai cũng đã được Bộ cấp phép trồng GMC đại trà. Chia sẻ quan điểm về GMC, ông Tùng cho rằng: Những khu vực có nhiều sâu đục thân, đục trái thì nên trồng giống bắp biến đổi gen để bảo vệ năng suất, còn những khu vực khác thì vẫn nên trồng giống nền, bởi giá thành hạt giống của bắp biến đổi gen khá cao (190.000 đồng đến 220.000 đồng/kg so với 70.000 đồng đến 120.000 đồng/kg hạt giống bắp nền).

 

Nhiều người tiêu dùng vẫn còn lạ lẫm với khái niệm thực phẩm biến đổi gien. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều người tiêu dùng vẫn còn lạ lẫm với khái niệm thực phẩm biến đổi gien. Ảnh: Đức Thụy

Người tiêu dùng bất ngờ với Gmo

Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Huy Hàm-Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trước nhu cầu ngày càng cao về sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, từ những năm 2000 cho đến nay Việt Nam phải nhập khẩu tới 93% đậu nành và 100% số đậu nhập khẩu là GMO. Trong khi đó, theo thống kê mới nhất, khối lượng bắp nhập khẩu năm 2015 đã tăng 71,2% so với năm 2014, chiếm 2/3 nhu cầu trong nước; đa số bắp cũng được nhập từ những nước sản xuất đại trà GMC. Như vậy, rất có thể nhiều thực phẩm người dân đang sử dụng hàng ngày được làm từ GMO. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều người quan tâm đến thông tin này.

 

Tháng 12-2015, Liên bộ Nông nghiệp và PTNT-Khoa học và Công nghệ ban hành thông tư liên tịch (hiệu lực thi hành từ ngày 8-1-2016) hướng dẫn ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn để người dân có quyền chọn lựa.
Theo đó, phải ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn buôn bán tại Việt Nam có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm. Thực phẩm biến đổi gen đã có nhãn hàng hóa không phù hợp với quy định của thông tư này không được phép tiếp tục sản xuất và nhập khẩu sau ngày 8-1-2017.

Qua khảo sát của P.V tại các siêu thị lớn như Vin Mart, Co.op Mart Pleiku và một số siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa lớn trên địa bàn TP. Pleiku, hầu hết các sản phẩm đóng gói có nguyên liệu từ đậu nành, bắp… đều chưa được nhà sản xuất dán nhãn thực phẩm GMO hoặc Non-GMO (có/không biến đổi gen), từ đậu nành sấy, sữa đậu nành đến bắp Mỹ nguyên hạt, sữa bắp, bánh bắp… Nhiều chủ cửa hàng, khách hàng đều lắc đầu lạ lẫm khi được hỏi về khái niệm thực phẩm biến đổi gen.

Chị Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Marketing và Dịch vụ khách hàng, Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho biết: Qua kiểm tra toàn ngành hàng thực phẩm, hiện chỉ có duy nhất sản phẩm sữa đậu nành Goldsoy dung tích 1 lít của Vinamilk là có dòng chữ: “100% hạt đậu nành không biến đổi gen” trên bao bì sản phẩm (ảnh nhỏ). Nhưng các sản phẩm sữa đậu nành khác của thương hiệu này thì lại không thấy có thông tin tương tự. Theo chị Trinh, đến nay cũng chưa có khách hàng nào quan tâm thắc mắc với nhân viên siêu thị về thông tin thực phẩm có GMO.

Lần đầu tiên nghe đến cụm từ “thực phẩm biến đổi gen”, chị Vũ Thị Hồng Liên (tổ 14, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), khách hàng đang mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku, ngỡ ngàng: “Bản thân tôi rất quan tâm đến bữa ăn gia đình nhưng lâu nay chưa từng biết đến khái niệm thực phẩm biến đổi gen. Chắc từ nay về sau tôi sẽ chú ý tìm hiểu kỹ hơn khi chọn mua thực phẩm”.

Bên cạnh lợi ích trước mắt có thể thấy rõ từ cây trồng GMC mang lại, câu chuyện liên quan đến thực phẩm chế biến từ nguyên liệu GMO cũng trở thành chủ đề nóng. Nhiều ý kiến cho rằng thực phẩm có GMO tiềm ẩn nguy cơ gây ra một số tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Vì thế, việc ứng dụng những thành tựu khoa học này vừa là cơ hội và cũng là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia, đặc biệt Việt Nam đang bước vào thời kỳ đầu của việc nghiên cứu, ứng dụng cây trồng biến đổi gen.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.