Xuất khẩu cà phê gặp nhiều thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2015 đến giữa năm 2016, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Gia Lai chịu ảnh hưởng do sự biến động chung về giá cả thị trường thế giới đối với  một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, nhất là cà phê. Gần nửa tháng nay, giá cà phê đã tăng nhẹ trở lại nhưng so với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu mặt hàng này vẫn giảm đáng kể.

 Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh.                   Ảnh: Đ.T
Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Ảnh: Đ.T

Năm 2015, xuất khẩu cà phê của tỉnh giảm mạnh cả về số lượng lẫn giá trị khi chỉ đạt 94.186 tấn/170,28 triệu USD, giảm 60,72% về lượng, giảm 64,05% về giá trị. Đến hết quý I năm 2016, giá cà phê xuất khẩu vẫn không ngừng biến động theo chiều hướng giảm với giá xuất khẩu bình quân 1.525 USD/tấn, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2015. Giá thu mua nội địa chỉ ở mức 33.000-34.000 đồng/kg nên mặc dù xuất khẩu cà phê tăng 7,37% về lượng nhưng vẫn giảm 7% về giá trị kim ngạch. Gần đây, giá cà phê liên tục tăng và đang dao động quanh ngưỡng từ 36.000 đồng đến 37.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này so với nhiều năm trước vẫn đang còn thấp, như ở niên vụ trước, giá cà phê lúc cao nhất đạt khoảng 41.000 đồng/kg. Theo đó, cà phê xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 82.965 tấn/125,8 triệu USD, tăng 44,43% về lượng, tăng 18,62% về giá trị.  

Tình hình đó khiến nhiều hộ gia đình quyết định tạm trữ cà phê để trông chờ mức giá hấp dẫn hơn. Ông Hoàng Trung Nghĩa (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku), một hộ đang trữ cà phê, chia sẻ: “Tôi hy vọng giá cà phê sẽ tăng lên khoảng 40.000 đồng/kg, nhưng tình hình biến động liên tục như bữa giờ làm tôi cảm thấy lo lắng lắm. không biết giá cà phê có tăng không hay lại giảm nữa thì...”.

Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Hiện nay, diện tích cà phê toàn tỉnh khoảng hơn 93.000 ha (trong đó gần 80.000 ha kinh doanh) với sản lượng khoảng 210.000 tấn/năm. Mặt hàng cà phê của tỉnh đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường khó tính, như: Mỹ, EU, Nhật với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm hàng trăm triệu USD. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thường xuyên. Ông Nguyễn Tấn Lực-Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công thương) cho biết: “Hàng năm, khối lượng xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ chiếm khoảng 25-30% sản lượng, còn các doanh nghiệp tỉnh khác đến thu mua để xuất khẩu chiếm 50-60% sản lượng của tỉnh. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản có nguồn vốn ít, không có khả năng đầu tư vào các lĩnh vực chế biến sâu đòi hỏi vốn lớn. Phần lớn sản phẩm chưa tạo dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường, ngay cả với những sản phẩm có thế mạnh. Bên cạnh đó, phương thức xuất khẩu chủ yếu là qua nhà nhập khẩu trung gian, chưa có khả năng tiếp cận đến người tiêu dùng của các nước nên giá trị xuất khẩu chưa cao”.

Theo kế hoạch năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cho mặt hàng cà phê là 140.000 tấn. Tuy nhiên, tình hình biến động giá cả cộng với niên vụ cà phê 2015-2016 không thuận lợi do mất mùa, sản lượng thấp nên mục tiêu trên sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, để đạt được kế hoạch-theo ông Lực-các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và vốn đầu tư; đồng thời có cơ chế hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến sâu để nâng cao chất lượng hàng hóa cho phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp nhằm tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tích cực khai thác thị trường mới, giảm dần phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp phải bám sát tình hình thị trường trong nước và thế giới để xây dựng chiến lược kinh doanh về mặt hàng và thị trường xuất khẩu phù hợp với từng thời kỳ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa, hạn chế sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô nhằm tăng giá trị xuất khẩu trên một đơn vị sản phẩm và để tiếp cận gần hơn với các thị trường lớn. Doanh nghiệp cũng nên tích cực, chủ động nắm bắt thông tin về các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, các hàng rào kỹ thuật thương mại, biện pháp phòng vệ thương mại… của các thị trường xuất khẩu, để có thể chủ động thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu, phòng tránh những rủi ro.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.