Chư Prông đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Chư Prông hiện có 73.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 53.000 ha cây công nghiệp dài ngày (cao su, hồ tiêu, cà phê...) và 20.000 ha cây ngắn ngày (gồm mì, bắp, lúa, đậu các loại). Để nâng cao năng suất các loại cây trồng nói trên, thời gian qua, huyện đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân; đồng thời, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

Đẩy mạnh tái canh cà phê
 

Cà phê là một trong những cây trồng mũi nhọn của huyện Chư Prông với tổng diện tích hiện có là 13.300 ha. Trước tình trạng nhiều diện tích đã già cỗi, năng suất thấp, những năm qua, huyện Chư Prông đã đẩy mạnh vận động nhân dân tái canh cà phê để tăng năng suất cây trồng. Theo đó, từ năm 2014, huyện Chư Prông đã phối hợp với một số công ty, doanh nghiệp tổ chức các hội thảo chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ nông dân mua giống tái canh cà phê. Các chương trình, sự kiện này đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn. Từ đó, nhiều hộ đã mạnh dạn phá bỏ một số diện tích cà phê già cỗi để trồng cà phê giống mới có năng suất cao. Đến nay, toàn huyện đã tái canh được gần 400 ha cà phê và tất cả diện tích này đều phát triển tốt, một số diện tích sắp cho thu bói với năng suất ước đạt 6-7 tấn quả tươi/ha (năng suất sau khi thu bói ước đạt 20-25 tấn quả tươi/ha tùy theo mức độ chăm sóc của các hộ).

Là người dám nghĩ, dám làm nên sau khi tiếp thu những kiến thức trồng, chăm sóc cà phê mới từ các hội thảo, buổi tập huấn do huyện tổ chức, năm 2014, ông Trần Đình Dũng (thôn Hoàng Ân, xã Ia Phìn) đã phá bỏ 2,5 ha cà phê vối đang cho thu hoạch của gia đình để trồng mới cà phê giống TR1 và TR4. Nhìn những gốc cà phê sai quả sắp cho thu bói, ông Dũng vui vẻ cho biết: Lúc đầu tôi cũng phân vân nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, xã và được các công ty hỗ trợ 50% giá, tôi đã mua 2.500 cây cà phê giống để trồng tái canh 2,5 ha cà phê. Nhờ chăm sóc tốt, diện tích cà phê tái canh ít bị dịch bệnh và phát triển nhanh hơn so với giống cà phê cũ. Tôi ước tính, năng suất thu bói sẽ đạt 6-7 tấn/ha, cao hơn so với cà phê giống cũ 2-3 tấn/ha. Sắp tới, tôi sẽ tái canh dần dần diện tích cà phê còn lại của gia đình để nâng cao năng suất vườn cây.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông cho biết: Chư Prông là một trong 3 huyện của tỉnh thực hiện dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững”-Vnsat nên việc tái canh cà phê là một trong những nội dung quan trọng mà huyện quan tâm và đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua. Đặc biệt, gần 400 ha cà phê tái canh đang phát triển tốt đã tạo động lực cho người dân trên địa bàn mạnh dạn hơn trong tái canh vườn cà phê của mình. Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình hỗ trợ canh tác nông nghiệp bền vững và phát triển nông thôn-Nestle, chương trình “Cho vay tái canh cà phê” của Chính phủ và chương trình Vnsat để vận động và hỗ trợ nông dân tái canh cà phê theo hướng bền vững. Đến năm 2020, toàn huyện đặt mục tiêu sẽ tái canh được 2.000 ha cà phê.


Nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng
 

Huyện luôn chú trọng vận động nông dân chọn giống tiêu từ những vườn có sức đề kháng cao và phát triển khỏe mạnh. Ảnh: H.T
Huyện luôn chú trọng vận động nông dân chọn giống tiêu từ những vườn có sức đề kháng cao và phát triển khỏe mạnh. Ảnh: H.T

Bên cạnh việc đẩy mạnh tái canh cà phê, huyện Chư Prông đã vận động nhân dân trên địa bàn không chặt bỏ diện tích cao su và tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc hồ tiêu để cho năng suất cao trên cùng một đơn vị diện tích. Theo ông Nguyễn Văn Gặp, huyện hiện có 2.500 ha hồ tiêu. Trước sự biến đổi của khí hậu dẫn đến việc xuất hiện nhiều dịch bệnh trên cây hồ tiêu, huyện đã vận động nhân dân chọn giống ở những vườn tiêu phát triển khỏe mạnh, có sức đề kháng cao để canh tác. Song song với đó, huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các công ty, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn, các buổi hội thảo để hướng dẫn cho nông dân quy trình, kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu. Đồng thời, vận động người dân chuyển sang dùng các loại phân hữu cơ được làm từ xác phụ phẩm nông nghiệp thay thế dần các loại phân hóa học; sử dụng hình thức tưới nước nhỏ giọt để tiết kiệm nước và triển khai thực hiện một số mô hình phòng trừ dịch bệnh trên cây tiêu.
 

Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông cho biết, bên cạnh những mặt đạt được, huyện Chư Prông vẫn gặp một số khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp. Khó khăn nhất hiện nay là kinh phí đầu tư và việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng của người dân còn hạn chế, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến năng suất cây trồng chưa cao. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến thất thường, giá cả thị trường biến động liên tục cũng ảnh hưởng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện. Vì vậy, bên cạnh vận động, hướng dẫn, thời gian tới, huyện sẽ cầm tay chỉ việc để giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất đối với các loại cây trồng. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đối với cây cà phê và các cây ngắn ngày để tăng năng suất cây trồng trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, cuối năm nay, huyện sẽ triển khai thực hiện chủ trương của tỉnh là xây dựng vùng nguyên liệu mía với tổng diện tích 3.000 ha ở 3 xã: Ia Lâu, Ia Mơr và Ia Piơr. Nếu chủ trương này được thực hiện thành công sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất của người dân 3 xã nói riêng, huyện Chư Prông nói chung.

Riêng đối với diện tích cây trồng hàng năm, để tránh thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, huyện thường xuyên hướng dẫn nông dân sản xuất kịp thời vụ, đúng kỹ thuật. Theo đó, vụ Đông Xuân 2015-2016, nhận định tình hình nắng hạn sẽ gây bất lợi cho cây trồng, huyện đã vận động nhân dân không gieo trồng lúa trên diện tích 300 ha đất ruộng thường xuyên bị hạn và chuyển sang trồng các loại đậu cho năng suất khá cao. Vụ mùa 2016, trên cơ sở 17 tấn lúa giống lúa Q5, HT1-giống lúa ngắn ngày, có sức chịu hạn cao được tỉnh hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại trong vụ Đông Xuân, huyện đã hướng dẫn nhân dân gieo trồng và xuống giống kịp thời.

Đang đắp bờ để giữ nước cho ruộng lúa mới gieo sạ gần 1 tháng nay của gia đình, ông Phạm Văn Hiển-Trưởng thôn Ring (xã Ia Mơr) chia sẻ: Vụ Đông Xuân vừa rồi, cả làng có hơn 30 ha lúa bị hạn, chủ yếu là bị mất trắng nên khi được tỉnh, huyện hỗ trợ giống lúa ngắn ngày TH1 để gieo trồng vụ mùa, bà con rất phấn khởi. Đến nay, 30 ha lúa được hỗ trợ giống và đều đã xuống giống kịp thời. Hy vọng, vụ mùa này thời tiết sẽ thuận lợi để cây lúa phát triển tốt và cho năng suất cao.

Ngoài ra, năm 2016, huyện Chư Prông còn hỗ trợ 2.700 giống cây ăn quả để giúp người dân trên địa bàn, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cải tạo vườn tạp. Đến nay, 100% cây giống đã được trồng và phát triển tốt.

 Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.