Liên kết để phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đề cập đến vấn đề du lịch ở Tây Nguyên, nhiều ý kiến cho rằng đây là vùng đất đầy tiềm năng để phát triển ngành "công nghiệp không khói". Với cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng nhiều di tích lịch sử, sắc màu văn hóa của các dân tộc bản địa... các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng có điều kiện thuận lợi để đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Khai thác tiềm năng
 
Trong những năm qua tỉnh Gia Lai đã đầu tư và đưa vào khai thác một số tuyến, điểm du lịch như: Biển Hồ, thủy điện Ia Ly, hồ Ayun Hạ, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo... với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn bao gồm: du lịch lữ hành, du lịch sinh thái, về chiến trường xưa, nghiên cứu văn hóa... thu hút du khách đến từ mọi miền. Năm 2001 toàn ngành đón 5.690 lượt khách, doanh thu 24,6 tỷ đồng, năm 2006 đón 105.000 lượt khách, doanh thu 60 tỷ đồng, đến năm 2015 doanh thu đạt 170 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 11 công ty kinh doanh du lịch lữ hành, trong đó có 6 công ty kinh doanh lữ hành quốc tế.

 

Khu Kinh tế Nhơn Hội-Quy Nhơn. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Khu Kinh tế Nhơn Hội-Quy Nhơn. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tuy nhiên du lịch Gia Lai vẫn còn nhiều bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của toàn ngành, chưa ngang bằng với các tỉnh, thành khác trong hệ thống du lịch trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên nói chung. Đây không chỉ đòi hỏi là mạng lưới khách sạn, nhà nghỉ, đa dạng, phong phú, có đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt và vui chơi, thư giãn mà còn bao gồm cả nhà ở tư nhân, nhà sàn, nhà rông ở các buôn làng, nơi dừng chân của các tour du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa bản địa. Cũng phải nói thêm là tại những nơi này đòi hỏi phải bảo đảm độ chuẩn xác trong nền nếp sinh hoạt, giao tiếp cộng đồng và cả phong tục, tập quán của người dân địa phương. Một điểm đáng quan tâm là chúng ta chưa đầu tư mạnh loại hình du lịch đa dạng, tổng hợp trong cùng một tour như: kết hợp giữa nghiên cứu văn hóa dân gian và lịch sử, dân tộc; du lịch sinh thái, dã ngoại và mạo hiểm...

Với mạng lưới đường giao thông bao gồm các quốc lộ, tỉnh lộ chạy ngang dọc và nhiều dạng địa hình phong phú như đồng ruộng, nương rẫy, vườn rừng, rừng nguyên sinh, cao nguyên, đồi dốc... hầu như địa bàn nào của Gia Lai cũng có thể phát triển du lịch theo hình thức này, đây là hình thức đang được nhiều nước chú ý đầu tư.

 

- Ngành Du lịch Bình Định: Năm 2015 đón trên 2,6 triệu lượt khách, tăng 25% so năm 2014, trong đó có 205.950 lượt khách quốc tế, tăng 20% so 2014. Tổng doanh thu trong năm trên 1.037 tỷ đồng.
- Ngành Du lịch Phú Yên: Năm 2015 đón 900.000 lượt khách, trong có 45.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu năm 2015 đạt 850 tỷ đồng, tăng 33,3% so năm 2014. Toàn tỉnh có 125 cơ sở lưu trú du lịch với 2.551 phòng, trong đó có 500 phòng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Năm 2016 dự kiến doanh thu du lịch đạt 950 tỷ đồng.
- Ngành Du lịch Đak Lak: Năm 2015 đón 560.000 lượt khách, trong đó có 54.000 lượt khách quốc tế, doanh thu 420 tỷ đồng, tăng 16,6% so năm 2014. Toàn tỉnh có 198 cơ sở lưu trú du lịch, gồm 60 khách sạn, 138 nhà nghỉ với khoảng 4.000 phòng.

Liên kết vùng để phát triển

Thời gian gần đây Gia Lai cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã mở tuyến du lịch sang các nước Đông Dương và sang cả Thái Lan. Đặc biệt những năm qua thực hiện chủ trương phát triển kinh tế khu vực Tam giác phát triển Việt Nam- Lào-Campuchia, chính phủ ba nước, các bộ ngành liên quan và chính quyền các tỉnh trong khu vực đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác, đầu tư.

Với hệ thống giao thông đường bộ thông suốt, từ TP. Pleiku có thể qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đi các tỉnh Ratanakiri, Stung Treng (Campuchia) xuống thủ đô Phnom Penh hoặc sang Cửa khẩu Veun Kham qua Lào, hoặc từ TP. Pleiku lên Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Kon Tum) sang các tỉnh Attapeu, Sê Kông, Chăm Pa Săk, lên cả thủ đô Viêng Chăn (Lào) rồi vòng Cửa khẩu Lao Bảo về Quảng Trị. Gần đây một vài công ty du lịch còn mở tuyến sang Thái Lan, từ thủ phủ Pak Sé của tỉnh Chăm Pa Săk (Lào) qua Ubon, Mukdahan về lại Savanakhet (Lào), hoặc thẳng xuống thủ đô Băng Cốc, Thái Lan. Tuyến đường trong khu vực có chất lượng cực tốt, xe ô tô có thể chạy với tốc độ trên 100 km/giờ, thời gian đi và về chỉ trong vòng 4-5 ngày, kể cả thời gian thưởng ngoạn các danh lam, thắng cảnh của nước bạn trên dọc tuyến.

Để phát triển du lịch, ngành Du lịch Gia Lai sẽ phải tích cực quảng bá các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và luôn đổi mới các tour, điểm đến trên toàn tuyến. Tại các điểm du lịch buôn, làng, không chỉ xây dựng cơ sở vật chất tương xứng mà còn phải chú ý đến đội ngũ hướng dẫn viên là người địa phương am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc bản địa có thể giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt mới đây tại hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch năm 2016 giữa các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Đak Lak, các tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác về du lịch để hướng tới tổng lượng khách du lịch mỗi tỉnh tăng 20%/năm. Theo đó, mỗi tỉnh đều có tuyến đường hàng không nối với các thành phố lớn trong cả nước và khoảng cách giữa các thành phố tỉnh lỵ đều ngắn, đi xe ô tô chỉ trong nửa ngày là đến. Với các danh thắng nổi tiếng như: đầm Thị Nại, cù lao Xanh, gành Đá Đĩa, Tháp Nhạn; Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Biển Hồ, núi Hàm rồng, voi Buôn Đôn… cùng lễ hội cầu ngư, hát bài chòi, hát bộ; cồng chiêng, múa xoang…, nếu Bình Định, Phú Yên có thế mạnh là biển thì Gia Lai, Đak Lak là rừng, tổ chức tốt các tour đi từ biển lên rừng hoặc ngược lại không chỉ giới thiệu được với du khách những sản phẩm du lịch đặc sắc của các địa phương, khắc phục sự nhàm chán mà còn “cầm chân”, giúp du khách tiêu đến đồng tiền cuối cùng của mình.

Hy vọng rằng với những tác động tích cực nêu trên, thời gian tới ngành Du lịch Gia Lai sẽ có bước phát triển ngang bằng với các tỉnh trong khu vực, khẳng định thế mạnh bền vững của ngành công nghiệp không khói trong cơ cấu kinh tế địa phương.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.