Ngành Ngân hàng: Hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nông sản rớt giá, thiên tai hoành hành đang là nỗi lo lớn của nhiều địa phương, trong đó có 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, các bộ ngành đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại sản xuất và đảm bảo đời sống người dân. Từ cuộc làm việc với ngành Ngân hàng 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho thấy ngành kinh tế quan trọng này đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn.

Báo cáo của ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc NHNN-Chi nhánh Gia Lai và ông Hoàng Minh Tân-Giám đốc NHNN-Chi nhánh Kon Tum cho thấy, đóng góp của ngành Ngân hàng 2 tỉnh đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương là rất lớn. Hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai huy động trên 25 ngàn tỷ đồng, dư nợ tín dụng 57,5 ngàn tỷ đồng, nợ xấu dưới 1% tổng dư nợ, xếp thứ 2 khu vực miền Trung-Tây Nguyên về quy mô. Nhìn chung, các ngân hàng thương mại đã làm tốt vai trò đi vay để cho vay, đáp ứng nguồn vốn cho các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, bám sát nghị quyết, chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.

 

Tuy nhiên trước thực tế kinh doanh khó khăn như hiện nay, công tác huy động vốn, cho vay, thu hồi vốn, xử lý nợ xấu… đang đặt ra khá nhiều vấn đề. Ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Gia Lai cho biết, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của đơn vị chiếm đến 97% tổng dư nợ. Với Vietinbank Gia Lai, tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn cũng trên 95% tổng dư nợ.  

Theo ông Lâm Quốc Vinh-Giám đốc BIDV Nam Gia Lai, Binh đoàn 15 là một khách hàng lớn của Chi nhánh. Phối hợp giải quyết khó khăn đặt ra do giá mủ cao su giảm thấp, Chi nhánh đã 3 lần làm việc với Tổng Công ty để tái cấu trúc lại ngành nghề kinh doanh, xây dựng giá thành sản phẩm… cùng nhiều giải pháp khác. Về phần mình, Binh đoàn quyết tâm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trên cơ sở hạ tầng sẵn có; tập trung tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; triển khai tốt công tác quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm tối đa; huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc  thiểu số; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, chủ động hợp tác, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài, tìm lời giải tốt nhất cho bài toán tiêu thụ sản phẩm cao su. Đồng thời, phát huy thế mạnh về đất đai, nguồn nhân lực. Với các vườn cây thời kỳ sinh trưởng, Binh đoàn chủ trương khuyến khích tổ chức trồng xen canh các giống cây ngắn ngày, bảo đảm vừa tăng thu nhập, vừa là biện pháp “lấy ngắn nuôi dài”.

Cùng với các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN cũng đã chỉ đạo sát sao, cụ thể thông qua Công văn 5018/NHNN-TD về việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả do hạn hán kéo dài. Theo đó, các tổ chức tín dụng chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do hạn hán kéo dài tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, kịp thời thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vốn vay,... đồng thời tiếp tục xem xét cho vay mới giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 27-1-2015 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.

Các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn các tỉnh bị hạn hán phối hợp với các sở, ban, ngành, Chi nhánh NHNN đánh giá, xác định mức độ thiệt hại từ nguồn vốn vay ngân hàng để tham mưu cho UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hỗ trợ theo quy định tại Điều 12, Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, căn cứ vào khả năng tài chính của từng tổ chức tín dụng, kịp thời có biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề nhằm giúp người dân trên địa bàn sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.