Loay hoay tìm nước tưới cho cây cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đang là cao điểm của mùa khô, nhiều nông dân như ngồi trên đống lửa, loay hoay tìm nguồn nước tưới bởi phần lớn diện tích cây cà phê của họ chỉ tưới được 1-2 lần thì không còn nguồn nước tưới.  

Cà phê được coi là cây công nghiệp thế mạnh của một số huyện như: Ia Grai, Chư Pah, Đak Đoa, Chư Pưh… Để cà phê phát triển tốt cần tưới 3-4 đợt/vụ. Tuy nhiên, năm nay nắng nóng kéo dài đã làm nguồn nước các hồ, đập, suối và giếng bị cạn kiệt.

 

Chỉ một ao nước nhỏ mà có tới 2 máy chờ bơm nước.                                                      Ảnh: L.N
Chỉ một ao nước nhỏ mà có tới 2 máy chờ bơm nước. Ảnh: L.N

Tại huyện Chư Pưh, để có được nguồn nước tưới cho cà phê, hồ tiêu, nông dân đã làm rất nhiều phương án từ khoan giếng mới đến nạo vét giếng, khoan ngầm dưới đáy giếng để tìm nguồn nước ngầm... Thậm chí nhiều hộ phải cắt cử thành viên của gia đình thay nhau canh nước để lấy nước tưới cho cây trồng. Chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) đang phải dựng lều để canh máy bơm nước cho biết: Gia đình có gần 1 ha cà phê và 800 trụ tiêu mà tưới từ sau Tết Nguyên đán đến giờ chưa xong. Nếu như trước đây đủ nước thì chỉ tưới 3-4 ngày, nhưng giờ đã tưới 20 ngày rồi mà vẫn chưa đủ nước. Nguồn nước cạn kiệt, cứ tưới được 1 giờ đồng hồ thì phải đợi 5-6 giờ chờ mạch nước ngầm ra rồi lại tưới.     

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, trên địa bàn huyện còn khoảng 500 ha cà phê của người dân đang tưới đợt 2. Tuy nhiên, trữ lượng nước ở hầu hết các hồ chứa, khe suối, hồ đập đã bị khô cạn khó đảm bảo nguồn nước tưới cho lúa nước và cà phê trong thời gian còn lại của mùa khô. Diện tích thiếu nước này tập trung nhiều tại xã Ia Sao khoảng 300 ha. Do đó, để có được chút nước ít ỏi tưới cà phê, nhiều hộ dân phải thức trắng đêm chờ nước và trông coi máy bơm. Anh Rơ Châm Cáo (làng Ó, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) đang dựng lều để chờ nước tưới cho vườn cà phê của gia đình cho biết: Gia đình có gần 1 ha cà phê mà tưới cả nửa tháng nay vẫn chưa xong. Dùng máy nổ để hút nước dưới suối chỉ được hơn giờ đồng hồ là hết nước phải tắt máy chờ nước mạch ra mới lại tưới tiếp được. Mỗi lần chuyển máy bơm nước ra suối rất vất vả nên trong thời gian chờ nước mình cũng phải đợi ngoài suối để bảo vệ máy bơm khỏi bị mất trộm. Quanh con suối của cánh đồng này có hàng trăm ha cà phê, song với tình trạng cạn kiệt nước thì coi như năm nay cà phê giảm năng suất nặng.

 

Ảnh: L.N
Ảnh: L.N

Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết: Trong thời gian tới nếu không có nguồn nước dẫn về phục vụ tưới thì khả năng thiệt hại rất lớn. Trước mắt, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cố gắng sử dụng nguồn nước tiết kiệm, tăng cường công tác quản lý, điều tiết nước hợp lý; hướng dẫn nhân dân dùng biện pháp tủ gốc, trồng hàng băng chắn gió và che nắng đối với cây cà phê. Về lâu dài, huyện sẽ tăng đầu tư, mở rộng hệ thống thủy lợi, tích nước, chặn dòng tại suối Ia Grai, Ia Châm để tăng khả năng trữ nước tưới cho cây cà phê. 

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.