Khó khăn trong việc tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ia Grai có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh, với sản lượng 46.135 tấn. Hiện nay, phần lớn diện tích cà phê già cỗi nên năng suất bình quân chỉ đạt 28,5 tạ/ha.

Kiểm tra thực tế vườn cây để cho vay theo chương trình tái canh cà phê. Ảnh: T.N
Kiểm tra thực tế vườn cây để cho vay theo chương trình tái canh cà phê. Ảnh: T.N

Hầu hết người trồng cà phê đều hiểu việc tái canh trước sau cũng phải làm để trẻ hóa vườn cà phê, tăng năng suất. Nhưng việc tiến hành thanh lý toàn bộ diện tích cà phê già cỗi để tái canh ít nhiều tác động đến tâm lý của người dân. Bởi lẽ, thời gian sản xuất đến khi thu hoạch khá dài, người dân lấy gì để trang trải cuộc sống, khi mà thu nhập dựa hoàn toàn vào cây cà phê. Chính vì thế, nhiều hộ dân đã chọn hình thức tái canh từng phần, tức là lô cà phê nào già cỗi thì tái canh trước. Chính điều này đã làm kế hoạch tái canh gặp không ít khó khăn, nguồn tín dụng cho chương trình đã sẵn nhưng chưa có cơ sở để đẩy mạnh giải ngân.

Ông Nguyễn Hữu Đại-Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 1 cho biết: Từ lúc kiểm tra đánh giá vườn cây cho đến hoàn tất việc thanh lý sẽ mất 3 tháng, tiếp đến mất khoảng 3-4 tháng mới có kết quả xét nghiệm mẫu đất phân tích mật độ tuyến trùng, sau đó cải tạo đất để tiến hành luân canh trồng đậu phụng rồi chuyển qua trồng bắp. Thu hoạch xong phải cày đất để đến mùa mưa trồng muồng hoa vàng. Tóm lại, từ khi nhổ bỏ đến khi cải tạo đất hoàn tất mất khoảng 3 năm, sau đó tiến hành trồng mới cà phê, qua 2 năm đầu là thời gian kiến thiết. Như vậy, mất 5 năm không có thu, nếu vay chương trình tái canh 8 năm dù đã có 4 năm ân hạn trả nợ gốc và lãi vẫn sẽ khó khăn trong việc trả nợ. Vừa rồi, Công ty đã ký hợp đồng tín dụng với Agribank vay 39 tỷ đồng để tái canh 200 ha và được phía ngân hàng cho vay kéo dài thời hạn.

 

Toàn huyện Ia Grai hiện có 17.100 ha cà phê, trong đó hơn 3.113 ha già cỗi, năng suất thấp cần tái canh. Trong năm 2016, huyện đã có kế hoạch và danh sách cụ thể tham gia thực hiện khoảng 1.773 ha; trong số này, cà phê của nông dân là 1.098 ha, của doanh nghiệp hơn 674 ha, tập trung phần lớn ở các xã: Ia Yok (347 ha), Ia Hrung (224 ha), Ia Bă (156 ha), Ia Krái (174 ha)…

Doanh nghiệp còn thấy khó huống chi là nông dân. Gia đình ông Rơ Lan Hoan (làng Tung Breng, xã Ia Krái) có 1 ha cà phê già cỗi. Sau khi được tư vấn, gia đình ông quyết định sẽ tiếp cận vay vốn từ chương trình cho vay tái canh để được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, với những quy định chặt chẽ từ phía ngân hàng thì hầu hết người dân khó thực hiện được. Ví dụ như phải xét nghiệm đất để xác định tuyến trùng, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của giống cà phê, phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Theo tìm hiểu của ông Hoan, riêng thời gian thực hiện công đoạn xét nghiệm đất đã mất khoảng vài tháng. Bên cạnh đó, lâu nay người nông dân đã quen với việc tự ươm giống, giờ phải chứng minh nguồn gốc sẽ rất khó khăn.

Tương tự, ông Vũ Thế Sơn (thôn Tân Sơn, xã Ia Sao) cũng cần khoảng 150 triệu đồng để tái canh 1 ha cà phê. Theo tính toán của ông, nếu để diện tích đó tiếp tục sản xuất vẫn có thể đem lại thu nhập. Bên cạnh đó, hiện nay giá cà phê đang giảm sút, liệu việc phá bỏ cà phê già cỗi để tái canh, rồi đến khi thu hoạch giá cà phê có còn giữ như vậy không. Lúc đó, thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi (4 năm đầu) đã hết, người vay bắt đầu trả nợ, khó khăn sẽ không nhỏ.

Băn khoăn của nhiều hộ dân không phải là không có lý. Trên thực tế, những hộ gia đình tự tìm nguồn vốn để tái canh (chủ yếu là đi vay thương mại) trước mắt thấy có kết quả. Cũng là tái canh nhưng nhiều người đã chọn phương thức nhổ lên trồng ngay. Việc thế chấp sổ đỏ để vay vốn một lần theo nhu cầu chứ không phải giải ngân từng phần như vay ưu đãi, người dân chủ động hơn về vốn, lại không chịu những quy định nghiêm ngặt mặc dù ưu đãi lãi suất từ chương trình là 6,5%/năm (trong thời gian ân hạn) khá hấp dẫn.

Theo ông Nguyễn Phùng Hưng-Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, để được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, người trồng phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật mà Cục Trồng trọt đã ban hành với những bước cụ thể. Ông Hưng cũng cho biết, để phục vụ cho việc tái canh cà phê trên địa bàn, trong điều kiện ngân sách huyện còn hạn hẹp, Nhà nước nên thực hiện lồng ghép từ nhiều dự án và hỗ trợ toàn bộ hạt giống đảm bảo chất lượng và một phần kinh phí cho huyện để tổ chức gieo ươm cây giống cung cấp cho nhân dân trên địa bàn; đồng thời, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục vay vốn ngân hàng để chương trình được thực hiện.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.