Gia Lai: Kiến nghị xử lý xe quá tải qua trạm thu phí BOT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng các phương tiện vận tải chở hàng quá tải trọng cho phép, UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Bộ Giao thông-Vận tải đề xuất Chính phủ bổ sung quy định chế tài xử phạt dựa trên kết quả cân trích xuất từ dữ liệu của các trạm cân tải trọng xe tích hợp với các trạm thu phí BOT đường bộ.

Nếu được áp dụng giải pháp này sẽ hết đường cho xe quá tải. Ảnh: Minh Nguyễn
Nếu áp dụng giải pháp này thì sẽ giảm thiểu tình trạng xe chở quá tải. Ảnh: Minh Nguyễn

Công văn do Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành ký nêu rõ: Trong thời gian qua, công tác kiểm soát tải trọng trên địa bàn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nên ý thức chấp hành quy định về tải trọng của phần lớn lái xe, chủ phương tiện được nâng cao; số lượng xe quá khổ, quá tải đã giảm nhiều.

Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, phương tiện, trang-thiết bị thiếu thốn nên việc kiểm soát xe quá tải chưa được thực hiện thường xuyên liên tục; việc kiểm soát tải trọng từ đầu mối hàng hóa, kho hàng còn hạn chế, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở. Công tác kiểm soát tải trọng xe của Công an cấp huyện chưa hiệu quả, chỉ dựa vào kinh nghiệm, quan sát bằng mắt thường mà không có cân tải trọng xách tay dẫn đến tình trạng xe chở hàng quá tải vẫn còn diễn ra, nhất là khi vào vụ mía, mì và nông sản khác.

Do vậy, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông-Vận tải đề xuất Chính phủ bổ sung quy định chế tài xử phạt vi phạm tải trọng trên cơ sở dữ liệu của trạm cân cố định tích hợp với các trạm thu phí BOT. Trong khi chờ Chính phủ đồng ý, trước mắt để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ, UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải cho phép lực lượng chức năng của tỉnh phối hợp với nhà đầu tư BOT sử dụng kết quả cân hợp chuẩn trích xuất dữ liệu của các trạm cân cố định tại các trạm thu phí BOT trên đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 19 qua địa bàn tỉnh để xử phạt vi phạm quá tải trọng cho phép của phương tiện.

 

   Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị được sử dụng kết quả cân từ các trạm cân cố định tại các trạm thu phí BOT để xử lý vi phạm xe quá tải.  Ảnh: Minh Nguyễn
Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị được sử dụng kết quả cân từ các trạm cân cố định tại các trạm thu phí BOT để xử lý vi phạm xe quá tải. Ảnh: Minh Nguyễn

Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết: Bộ Giao thông-Vận tải đã trả lời, việc sử dụng kết quả từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được bổ sung vào dự thảo nghị định, đang xin ý kiến thành viên Chính phủ để ban hành. Trong thời gian này, Bộ đề nghị tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kết hợp trạm kiểm tra tải trọng lưu động (cân xách tay) với các thiết bị cân được lắp đặt tại các trạm thu phí BOT để kiểm tra, xử lý xe quá tải trọng cho phép tham gia giao thông. Khi phát hiện dấu hiệu xe chở quá tải đi qua cân tại trạm thu phí BOT thì tiến hành kiểm tra lại bằng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động hoặc cân xách tay để có cơ sở xử phạt.

Tuy nhiên, theo ông Quế: Hiện nay trên đường Hồ Chí Minh có 2 trạm thu phí của Công ty cổ phần BT và BOT Đức Long Gia Lai (đặt ở xã Ia Blang, huyện Đak Đoa và xã Ia Le, huyện Chư Pưh); Trạm ở quốc lộ 19 của Công ty TNHH BOT 36.71 (xã Hà Ra, huyện Mang Yang). Cả 3 trạm thu phí cố định này đã lắp đặt thiết bị giám sát tải trọng xe cơ giới nên việc lực lượng chức năng trưng dụng và kiểm tra lại kết quả từ các trạm tích hợp cân tải trọng từ các trạm thu phí là rất hiệu quả, sẽ hết đường cho xe quá tải.

“Cá nhân tôi cho rằng sử dụng kết quả cân ở các trạm thu phí này để kiểm soát tải trọng thì các lái xe sẽ không dám vi phạm tải trọng trên các tuyến đường quốc lộ chính đi qua tỉnh Gia Lai. Chứ lấy kết quả của trạm thu phí rồi tổ chức cân lại theo công văn trả lời của Bộ Giao thông-Vận tải thì giống như cách làm cũ, tốn rất nhiều thời gian và công sức”-ông Quế nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dũng-Giám đốc Công ty cổ phần BT và BOT Đức Long Gia Lai thì cho biết: “Từ cuối năm 2015 đến nay, Trạm thu phí tích hợp cân tải trọng của Công ty đã ghi nhận hàng ngàn xe vi phạm tải trọng. Tuy nhiên, chúng tôi lại không có cơ chế để xử lý xe quá tải. “Đường do chúng tôi đầu tư, hàng ngày chứng kiến xe quá tải lưu thông, chúng tôi đau xót lắm”-ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, mỗi trạm thu phí đều được Bộ Giao thông-Vận tải chỉ định lắp hệ thống giám sát tải trọng trị giá tới 4-5 tỷ đồng, nếu không sử dụng thì rất đáng tiếc. Chúng tôi mong rằng Bộ Giao thông-Vận tải đồng ý để UBND tỉnh Gia Lai sớm đưa lực lượng chức năng phối hợp với chúng tôi để xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải này.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.