Đẩy mạnh hợp tác đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khu vực Tam giác phát triển có vị trí chiến lược trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Những năm qua, nhiều doanh nghiệp Gia Lai đã đẩy mạnh hợp tác, đầu tư vào khu vực này…

  Khu định cư của người dân vùng dự án trồng cao su của HAGL tại Lào.  Ảnh: L.A
Khu định cư của người dân vùng dự án trồng cao su của HAGL tại Lào. Ảnh: L.A

Gia Lai nằm trong khu vực Tam giác phát triển gồm 13 tỉnh của Việt Nam (Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Bình Phước)-Lào (Attapeu, Salavan, Sekong, Champasak)-Campuchia (Rattanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kratie). Những năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ 3 nước, các chương trình hợp tác thương mại, đầu tư dự án phát triển kinh tế của các doanh nghiệp Gia Lai như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang và các Công ty của Binh đoàn 15… đã triển khai hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh và tiềm năng sẵn có của các tỉnh thuộc hai nước Lào và Campuchia. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp Gia Lai đã được chấp thuận đầu tư 18 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 1.020 triệu USD, chiếm 16,67% số dự án và 21,54% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp Việt Nam và dẫn đầu khu vực Tây Nguyên đầu tư vào khu vực này. Đi đầu trong việc đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Chỉ tính riêng tại tỉnh Attapeu, ngoài dự án cụm công nghiệp mía đường, các dự án thủy điện, nhà máy chế biến gỗ, trồng cao su, xây dựng bệnh viện, trường học, Tập đoàn còn đầu tư dự án chăn nuôi bò. Nếu năm 2014, Hoàng Anh Gia Lai nuôi 10.000 con bò tại Attapeu thì trong năm 2015 đã nâng lên gần 30.000 con (thường xuyên xuất nhập) và biến ngành chăn nuôi bò trở thành ngành mũi nhọn. Những dự án đầu tư tại Attapeu đã giúp GDP của vùng đất phía Nam Lào này tăng từ 13% (năm 2012) lên gần 40% (2015), thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Attapeu cũng tăng từ 600 USD năm 2010 lên 1.300 USD vào năm 2013 và gần 1.700 USD vào năm 2015. Ngoài ra, các dự án này đã tạo công ăn việc làm cho gần 20.000 lao động tại chỗ. Cũng từ khi các dự án của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai triển khai trên đất Attapeu, người dân nơi đây được hưởng lợi từ những đóng góp của Tập đoàn trong vấn đề an sinh xã hội. Hàng trăm km đường giao thông, cầu cống cùng hệ thống điện, bệnh viện 200 giường bệnh, trường học, sân bay… được xây mới với tổng vốn viện trợ không hoàn lại gần 50 triệu USD.

Ông Phan Thanh Thủ-Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu cho biết: “Thời gian gần đây, khi giá mủ cao su xuống thấp, Công ty cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, các dự án vẫn mang lại lợi nhuận khá và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, nhất là vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho những địa bàn Công ty đứng chân. Chúng tôi có quan điểm, ngoài việc lợi ích của Công ty thì lợi ích của người dân nơi đứng chân luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, những đóng góp của Công ty luôn được đánh giá cao…”.

Còn trong lĩnh vực thương mại, trên cơ sở Hiệp định thương mại song phương đã cam kết và thông lệ mua bán quốc tế, công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại các cửa khẩu diễn ra nhanh gọn, thuận tiện và đúng quy định. Chỉ tính riêng trong năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai vào các tỉnh của Lào và Campuchia đạt trên 100 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 15 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 85 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là vật liệu xây dựng, xăng dầu, máy móc thiết bị, dụng cụ y tế, vật tư nông nghiệp… còn mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ các loại, hàng nông sản, mủ cao su, mía đường…

 

Tập đoàn
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư phát triển chăn nuôi ở Nam Lào.

Ông Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai cho biết: “Những năm qua, tỉnh đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ về hồ sơ pháp lý để các doanh nghiệp của tỉnh thuận lợi trong vấn đề đầu tư các dự án vào khu vực Tam giác phát triển. Qua đánh giá sơ bộ, các dự án đã đi vào hoạt động của các doanh nghiệp tỉnh Gia Lai tại Lào và Campuchia cơ bản đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở những nơi các doanh nghiệp đứng chân. Điều này đã nâng cao uy tín của các doanh nghiệp Gia Lai trong khu vực, tạo ra một lợi thế lớn trong việc gắn kết cùng nhau hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong thời gian tới…”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.