Nỗi lo về giá cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từng được tôn vinh là loài cây cho khai thác dòng “vàng trắng” mang lại đời sống sung túc cho hàng trăm ngàn hộ công nhân và vùng trồng cao su, bỗng chốc cây trồng chủ lực này của Tây Nguyên và nhiều tỉnh trong cả nước lại bị chủ nhân quay lưng, thậm chí nhiều nơi đốn hạ không thương tiếc. Tất cả chỉ vì một lý do: Giá.

  Ảnh: Nguyên Võ
Ảnh: Nguyên Võ

Từ đầu thế kỷ 20 cây cao su đã được người Pháp đưa vào trồng ở Việt Nam và trở thành một trong các nguồn thu lớn trên thuộc địa của Pháp. Rồi đến một thế kỷ sau-những năm 1990-cây cao su tiếp tục khẳng định vai trò số một của mình trong cơ cấu cây trồng ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Từ vài chục ngàn ha ban đầu, cao su nhanh chóng được các doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích lên hàng trăm ngàn ha, nhiều nơi trở thành những vùng chuyên canh rộng lớn như: Phú Riềng, Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Tây Ninh, Đak Lak, Gia Lai...

Tuy nhiên cũng như các loại cây công nghiệp khác là cà phê, điều, hồ tiêu... thì trong những năm qua thị trường cao su ở nước ta cũng có sự biến động, đã có thời điểm giá mủ cao su đạt đến ngưỡng kỷ lục, như giữa năm 2008 lên đến trên 55 triệu đồng/tấn. Giá mủ cao su tăng ổn định đã thúc đẩy các doanh nghiệp làm cao su và các hộ nông dân (cao su tiểu điền) ồ ạt đầu tư trồng mới cao su hàng năm. Theo kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, đến năm 2015 cả nước sẽ có 1.000.000 ha cây cao su. Bên cạnh đó, trong năm 2008 Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên tập trung vốn đầu tư thực hiện hoàn thành dự án Việt-Lào trồng mới 10.000 ha cao su (dự án Qua Sa Gruco) và dự án 4.000 ha tại Campuchia. Một số doanh nghiệp ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Bình Định cũng đã tỏ ra nhanh nhạy, tham gia trồng cao su tại các tỉnh Attapeu, Savanakhet, Sê Kông, Cham Pa Sak (Lào). Trong đó phải kể đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trồng trên 40.000 ha cao su tại Nam Lào vào thời điểm 2008, đến 2013 đã cho mủ. Ngoài ra cao su còn được trồng trên địa bàn các tỉnh cao nguyên ở miền Bắc nước ta như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên. Trong đó, tỉnh Lai Châu quy hoạch từ nay đến năm 2010 sẽ phát triển diện tích cao su lên 5.000 ha và đến năm 2015 là 20.000 ha theo hướng trồng cao su đại điền. Đối với Gia Lai kế hoạch chuyển đổi 50.000 ha diện tích rừng nghèo sang trồng cao su, nâng tổng diện tích cao su toàn tỉnh lên hơn 150.000 ha. Còn đối với tỉnh Đak Lak từ nay đến năm 2010 có thể chỉ trồng mới 3.000 ha cao su trong tổng số 30.000 ha cao su theo chỉ đạo của Chính phủ.

Kế hoạch là vậy song thị trường đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế trong thời gian qua. Tuy vào thời điểm tháng 9-2008 mủ cao su sụt giá xuống còn 42-45 triệu đồng/tấn nhưng cây cao su vẫn giữ vững ngôi vị số một của mình trong nền kinh tế của Gia Lai và một số địa phương khác có trồng cao su. Thế nhưng thời gian gần đây, cụ thể là tháng 9-2015 giá cao su đã tụt dốc thê thảm, cao su xuất khẩu tháng 9-2015 giảm thêm 6,1% so tháng 8 và 17,96% so tháng 9-2014: cao su Latex xuất sang Trung Quốc 890-900 USD/tấn, cao su thiên nhiên sơ chế RSS3 đóng đồng nhất 33,33 kg/kiện xuất sang Malaysia 1.300 USD/tấn, cao su qua sơ chế Latex xuất sang thị trường Mỹ 1.101-1.269 USD/tấn... Như vậy trong 9 tháng năm 2015, cả nước xuất khẩu 748.000 tấn mủ cao su đã bị thiệt khoảng 40.000 tỷ đồng nếu so cùng thời điểm 2011.

 

Theo VITIC giá cao su thế giới và Việt Nam sụt giảm từ 2013 và giữ mức thấp như hiện nay là do nhu cầu tăng trưởng chậm, đặc biệt là Trung Quốc-nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới. Mặt khác nền kinh tế bất ổn tại châu Âu và một số nước khác cũng như giá dầu thô giảm mạnh đã tác động đến nhiều mặt hàng, trong đó có cao su. Cao su xuống giá, rất nhiều doanh nghiệp “quay lưng” lại với cao su bởi nếu cứ tiếp tục đầu tư chăm sóc, sẽ còn rơi vào thảm cảnh hơn. Ngay cả Tập đoàn mạnh như Hoàng Anh Gia Lai cũng chỉ giữ cho vườn cây sống, còn thì chuyển sang đầu tư cho chăn nuôi, trồng mía và cọ dầu ở Attapeu, Lào. Nhiều đơn vị chỉ cho công nhân thu hoạch mủ 3-4 ngày một lần, thậm chí mỗi tuần cạo mủ một lần để giảm chi phí. Ở nhiều tỉnh, nhiều hộ trồng cao su tiểu điền đã chặt bỏ vườn cây để chuyển sang trồng hồ tiêu, trồng cà phê... Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 4-2015 tỉnh Đak Nông có 1.367 ha cao su bị chặt bỏ, tỉnh Bình Phước 1.800 ha, Bình Dương 2.400 ha... như vậy cả nước đã có hàng chục ngàn ha cao su bị triệt hạ chuyển sang trồng cây khác.

Cùng với cà phê, hồ tiêu, cao su là một trong 3 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhiều năm qua ở Tây Nguyên và nhiều tỉnh trong cả nước. Cao su Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ... Hiện tại ngành cao su có khoảng 100 doanh nghiệp xuất khẩu đến hơn 45 quốc gia, trong đó có 10 doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Đứng trước tình hình giá xuất khẩu mủ cao su như hiện nay, vấn đề làm gì để cho các doanh nghiệp và người trồng cao su vượt qua khó khăn, đưa cây cao su trở lại thời hoàng kim là một bài toán cực kỳ khó giải. Thực tế cho thấy thời gian qua không ít doanh nghiệp trồng cao su cũng đã có bước chuyển đổi trong sản xuất, kinh doanh như: trồng thêm cà phê, ca cao, trồng lúa, chăn nuôi bò, giao khoán hợp lý vườn cây cho hộ công nhân... Tuy nhiên đó vẫn chỉ là những giải pháp nhất thời, nếu doanh nghiệp còn chọn cao su là cây trồng chính, rõ ràng cần có những biện pháp căn cơ, bền vững hơn để cây cao su tái khẳng định giá trị vốn có của mình.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.