Giải pháp xây dựng Chư Sê thành vùng kinh tế động lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiềm năng đất đai dồi dào, khí hậu thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, hồ tiêu, cao su, cùng với hệ thống giao thông đi lại thuận lợi là một trong những tiền đề lớn để Chư Sê xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững, vươn mình khẳng định vị thế là vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển vùng kinh tế động lực giai đoạn 2007-2015 và định hướng đến năm 2020, những năm qua, huyện Chư Sê đã có nhiều giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện để phát triển.

 

Một góc thị trấn Chư Sê hôm nay.     Ảnh: Nguyễn Diệp
Một góc thị trấn Chư Sê hôm nay. Ảnh: Nguyễn Diệp

Huyện xác định nông-lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm đến 37%. Trong đó, các loại cây công nghiệp dài ngày tiếp tục phát triển ổn định về diện tích với 4.355 ha hồ tiêu, 7.494 ha cao su và 17.412 ha cà phê; chưa kể các loại cây ngắn ngày khác. Đặc biệt, huyện Chư Sê đã có sản phẩm hồ tiêu mang tính đặc trưng tiêu biểu trên toàn quốc; các sản phẩm tiêu sọ, tiêu trắng, tiêu đỏ đóng hộp bằng công nghệ cao, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Song song với sự phát triển của ngành nông nghiệp, những năm qua ngành công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Tổng nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội từ năm 2011 đến 2015 đạt 2.852 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 bình quân hàng năm đạt 183 tỷ đồng, đứng thứ 2 toàn tỉnh, chỉ sau thành phố Pleiku.

Với sự phát triển mạnh mẽ ở các ngành kinh tế, từ năm 2011 đến 2015 huyện đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng nâng cấp thị trấn Chư Sê trở thành đô thị loại IV. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình văn hóa xã hội được xây dựng phù hợp, đảm bảo mĩ quan không gian sinh hoạt cộng đồng…

Mặc dù vậy, quá trình phát triển kinh tế vẫn còn gặp không ít những khó khăn, hạn chế như: năng suất, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực không ổn định. Dịch bệnh trên cây hồ tiêu và cà phê vẫn chưa có giải pháp chữa trị hiệu quả. Việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng còn hạn chế. Chưa có sự gắn kết giữa nhà nông, nhà sản xuất và nhà khoa học với thị trường tiêu thụ.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Để xây dựng Chư Sê trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh giai đoạn 2015-2020, huyện đang tập trung đầu tư xây dựng mô hình “Tiêu chất lượng cao” để nhân rộng; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”; xây dựng chất lượng cà phê robusta… Trên cơ sở quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế-xã hội đến năm 2020, trong thời gian tới huyện tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, khai thác hiệu quả quỹ đất ở các khu dân cư mới. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hướng tới xây dựng thị xã và nông thôn mới, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển. Sử dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như mô hình tưới nước nhỏ giọt, sử dụng máy đóng mở tự động bằng điện thoại di động, máy kích hoạt, hẹn giờ tưới nước, tiến hành xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết sản xuất các loại cây trồng như: tiêu, cà phê và lúa nước…


Huyện tập trung đầu tư công nghiệp-xây dựng, trong đó ưu tiên cụm công nghiệp phía Nam của huyện với các ngành nghề, như: chế biến nông sản, thức ăn gia súc, sản xuất nông cụ…, đặc biệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư  xây dựng nhà máy chế biến nông sản tạo ra những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ, như  xây dựng cân đối các chợ đầu mối, chợ trung tâm, hệ thống siêu thị và đầu tư phát triển các điểm du lịch.

Nguyễn Hồng Linh
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.