Giải pháp nào để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 là kết quả điều tra năm thứ 10 liên tiếp, với sự tham gia của 8.093 doanh nghiệp dân doanh trên toàn quốc. Gia Lai với điểm chỉ số PCI là 56,16, thấp hơn 1,8 điểm so với năm 2013 và thấp hơn 0,34 điểm so với năm 2012; xếp hạng 3 khu vực Tây Nguyên và thứ 48/63 tỉnh, thành phố.
 

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Trong những năm qua, PCI được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố. Đồng thời, PCI cũng chính là đại diện cho tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về chất lượng điều hành kinh tế trên địa bàn mà họ đầu tư sản xuất kinh doanh. PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động trực tiếp đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo kết quả PCI  năm 2014 cho thấy, Gia Lai có điểm chỉ số là 56,16 điểm, thấp hơn 1,8 điểm so với năm 2013 và thấp hơn 0,34 điểm so với năm 2012; xếp hạng 3 khu vực Tây Nguyên và thứ 48/63 tỉnh, thành phố. Phân tích cụ thể cho thấy: PCI năm 2014 của tỉnh ta có 5/10 chỉ số thành phần thấp hơn điểm trung vị (tỉnh trung vị là tỉnh có điểm số của các chỉ số thành phần được xếp hạng thứ 32/63 tỉnh, thành phố-P.V) của cả nước, đó là các chỉ số: chi phí gia nhập thị trường; chi phí về thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; chi phí không chính thức; tính năng động-tiên phong của lãnh đạo và đào tạo lao động.

Thông qua các tiêu chí chấm điểm của từng chỉ số thành phần PCI, một số nguyên nhân khách quan dẫn đến kết quả trên như: chọn mẫu chưa mang tính đại diện; sự hài lòng phụ thuộc vào sự mong đợi của từng doanh nghiệp; sự phát triển không đồng đều giữa các ngành, nội bộ ngành, giữa các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh. Mặt khác, vẫn còn một số tồn tại mà tỉnh vẫn chưa  khắc phục được như: chưa xây dựng được hệ thống một cửa liên thông hiện đại toàn tỉnh; chưa xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; sự phối hợp của lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương có lúc có nơi chưa đồng bộ; vai trò của người lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương và trách nhiệm của người đứng đầu các bộ phận trực tiếp giải quyết hồ sơ chưa cao; đối thoại giữa các cấp, các ngành với doanh nghiệp chưa thường xuyên; việc tự đặt các thủ tục riêng ngoài quy định của pháp luật vẫn còn, tạo ra sự hiểu lầm khi doanh nghiệp đến giao dịch, gây khó khăn, hạch sách, nhũng nhiễu...

Để nâng cao vị trí xếp hạng chỉ số PCI trong thời gian tới, UBND tỉnh đã yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng đề án một cửa liên thông hiện đại toàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, kiện toàn cơ chế một cửa liên thông. Xây dựng quy chế phối hợp trong công tác thanh-kiểm tra các doanh nghiệp trên cơ sở rút ngắn tối thiểu số lần và thời gian thanh tra. Xây dựng quy chế đối thoại liên ngành với doanh nghiệp, định kỳ 6 tháng/lần, tối thiểu 2 lần/năm. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, địa phương phụ trách các chỉ số thành phần trong PCI...

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.