Nguồn vốn luôn chủ động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tái canh cây cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng thu nhập cho người trồng cà phê; góp phần phát triển ngành cà phê bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành hướng dẫn triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đây là lối mở nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho gói tín dụng 12.000 tỷ đồng đã được cam kết trước đó.

Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT được lựa chọn tham gia cho vay chương trình này. Nguồn vốn cho vay tái canh được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thông qua hình thức tái cấp vốn để thực hiện cho vay theo 2 phương pháp là trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê. Đối tượng được vay là tổ chức và cá nhân có tên trong danh sách thực hiện tái canh cà phê trên địa bàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với đề án tái canh cà phê được ban hành theo Quyết định số 4521/QĐ-BNN-TT ngày 21-10-2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
 

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B

Căn cứ theo quyết định này, riêng ở Gia Lai, diện tích tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020 là 17.800 ha, trong đó diện tích trồng tái canh là 15.300 ha, diện tích ghép cải tạo là 2.500 ha. Giai đoạn này, tỉnh ta cần nhu cầu 35,7 triệu cây giống và 8,75 triệu chồi ghép để thực hiện đề án.

Thực tế, thời gian qua, không riêng gì tỉnh ta mà tất cả các tỉnh Tây Nguyên đều giải ngân chương trình cho vay tái canh cà phê rất chậm. Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho biết: Tính đến nay trên địa bàn mới chỉ dừng lại ở việc giải ngân 21 tỷ đồng cho 1 doanh nghiệp và 2 hộ gia đình vay, trong khi khảo sát diện tích cần tái canh cho năm trước vào khoảng 2.000 ha với số vốn đầu tư ước chừng 300 tỷ đồng. Việc đầu tư vốn trước đây gặp một số khó khăn bởi tỉnh ta chưa có quy hoạch chi tiết để thực hiện đề án tái canh. Ngân hàng chỉ đầu tư vốn chứ không thể nắm được vùng nào cần tái canh, diện tích bao nhiêu, thực hiện như thế nào, chọn giống ra sao…

“Lộ trình tái canh chỉ thực hiện ở những vườn cà phê già cỗi nằm trong vùng quy hoạch trồng cà phê và theo kế hoạch tái canh của địa phương. Vì vậy, muốn đảm bảo tiến độ tái canh cây cà phê và quyết định sự thành công của chương trình cần phải phát huy nguồn lực từ các thành phần kinh tế và sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng”-ông Cư cho biết thêm.

Theo văn bản hướng dẫn mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,  mức cho vay tối đa đối với phương pháp trồng tái canh cà phê là 150 triệu đồng/ha và 80 triệu đồng/ha đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê. Lãi suất được ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường, trong thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi thì lãi suất không vượt quá 7%. Đặc biệt, thời hạn cho vay lên đến 8 năm đối với trồng tái canh, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 4 năm; còn ghép cải tạo được vay tối đa là 4 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 2 năm tính từ thời điểm hai bên ký hợp đồng vay.

Thời gian từ khi tái canh đến khi thu hoạch dài (từ 1 đến 5 năm). Việc cho ân hạn là giải pháp để người trồng cà phê yên tâm sản xuất không bị áp lực trả nợ trong giai đoạn này. Đây chính là điều kiện thuận lợi giữa người trồng cà phê và ngân hàng, bởi từ khi có định hướng cho chương trình này kể cả doanh nghiệp và người nông dân rất dè dặt bởi vấn đề về vốn, thành ra chưa đạt được tiến độ cũng như mục tiêu đề ra là giảm diện tích cà phê già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp.

Theo tính toán, những vườn cà phê già cỗi cần tái canh trong 5-10 năm tới ở Tây Nguyên dự kiến vào khoảng 140.000-160.000 ha, riêng Gia Lai khoảng 17.000 ha. Việc triển khai chương trình này sẽ giải quyết phần lớn nhu cầu về nguồn vốn, tạo điều kiện để cây cà phê phát triển ổn định, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.