Nông dân hưởng lợi nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với phương châm, tập trung hướng về cơ sở, tăng cường cho cơ sở, từng bước hỗ trợ hội viên vươn lên làm giàu, 5 năm trở lại đây, Hội Nông dân thị xã An Khê đã thực sự trở thành “cầu nối” giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, chủ động áp dụng vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, cải thiện thu nhập. Nhờ vậy, đến nay, toàn thị xã có 2.657 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất-kinh doanh giỏi các cấp, trong đó nhiều nông dân mạnh dạn, sáng tạo với những cách làm hay, mô hình kinh tế hiệu quả…

Nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân, không ngừng quan tâm, tìm hiểu những kiến thức liên quan đến nông-lâm-ngư nghiệp và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, hàng năm Hội Nông dân thị xã thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên.

 

Ảnh: Anh Huy
Ảnh: Anh Huy

Điều đặc biệt là nội dung các buổi tập huấn đều tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi, cách phòng ngừa sâu bệnh mà nhà nông quan tâm như: kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khổ qua, dưa leo theo tiêu chuẩn Vietgap; tập huấn kỹ thuật thử nghiệm trình diễn thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc trị bệnh vàng lá trên cây lúa; tập huấn kỹ thuật trồng hoa; kỹ thuật trồng-chăm sóc cây mía; hội thảo đầu bờ và tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ớt... Hầu như sau mỗi đợt chuyển giao, hội viên đã mạnh dạn và chủ động hơn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật trên diện tích vườn nhà. Gia đình ông Phan Chứ (tổ 5, phường An Tân) trước đây vốn chỉ gắn bó với mô hình trồng rau-củ, thế nhưng cái vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến cho thu nhập của gia đình ông luôn bấp bênh.

Năm 2009, gia đình ông được Hội Nông dân và phường An Tân chọn làm hộ trồng hoa khảo nghiệm và tham gia sản xuất hoa thương phẩm công nghệ cao với 2.400 cây hoa hồng ghép, 1.300 cây hoa đồng tiền, 3.600 cây hoa cẩm chướng và 4.000 cây hoa cúc cấy mô. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm và chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập của gia đình ông ngày càng tăng cao. Ba năm sau, ông mạnh dạn đầu tư thêm 1.500 m2 nhà lồng và trồng thêm 6.000 cây hoa đồng tiền.  

Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rõ ràng không chỉ làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều hội viên nông dân mà còn tác động mạnh mẽ tới việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với quy mô vừa và nhỏ. Đến nay, toàn thị xã đã có 2.657 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất-kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả… Trong đó phải nhắc đến mô hình kinh tế V-A-C-R của nông dân Nguyễn Xuân Phương (thôn An Thượng 3, xã Song An). Sau nhiều ngày tìm tòi, học hỏi các mô hình kinh tế khác nhau, cuối cùng ông Phương quyết định “thử sức” với mô hình: chăn nuôi (gia súc, gia cầm và cá nước ngọt); thâm canh lúa nước, vườn cây ăn quả; trồng rừng bạch đàn, keo lai; liên kết quản lý chăm sóc rừng phòng hộ và đầu tư kinh doanh vật tư nông nghiệp trả chậm cho nông dân trên địa bàn xã. Mặt khác, gia đình ông còn nhận khoán trồng rừng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy MDF và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ya Hội. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, mô hình này đã mang lại thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng (đã trừ chi phí) cho gia đình ông.

Ngoài việc giúp hội viên nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Hội Nông dân các cấp còn vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, nguồn quỹ này đã giải quyết cho 272 hội viên nông dân vay. Đồng thời, Hội còn phối hợp tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề ngắn hạn cho hội viên nông dân… Nhờ đó, việc sản xuất-kinh doanh của nông dân đã mang lại hiệu quả thiết thực hơn, số hội viên sản xuất giỏi tăng cao, số hộ nghèo giảm 105 hộ trong gần 5 năm qua (2010-2015).

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.