Hiệu quả từ trồng nấm Hồng chi, Lim xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 3 tháng thử nghiệm với mô hình trồng nấm Hồng chi, Lim xanh, mới  đây, Trường Trung cấp Nghề số 15 (Binh đoàn 15) đã tổ chức thu hoạch lứa nấm đầu tiên. “Hiệu quả ban đầu từ việc trồng nấm sẽ là bước đệm để tiến tới việc nhà trường đưa mô hình này trở thành mã ngành đào tạo”-Thượng tá Nguyễn Hồng Giang-Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.
 

 Thu hoạch nấm. Ảnh: Anh Huy
Thu hoạch nấm. Ảnh: Anh Huy

Cũng theo Thượng tá Giang, tác dụng dược liệu của hai loại nấm trên đã được các nhà khoa học xác định. Cụ thể, nấm Hồng chi, Lim xanh rất tốt cho sức khỏe, làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, hỗ trợ các hoạt động của gan, giúp ổn định huyết áp… nên hiện nay thị trường tiêu thụ của nấm rất lớn. Hơn nữa, nhà trường cũng muốn phát triển một mô hình mới để có thể giải quyết được nguồn nhân lực dôi dư, phát huy thế mạnh đội ngũ kỹ sư nông nghiệp và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của cán bộ, công nhân viên. Vì vậy, nhà trường đã tận dụng 200 m2  đất trống trong khuôn viên của trường để xây dựng một ngôi nhà cấp 4 chuyên dùng trồng nấm. Bước đầu đã có khoảng 6.000 bầu nấm được trồng, trong đó có 2.000 bầu nấm mới cấy thêm và 1.000 bầu nấm đang cho thu hoạch lứa đầu tiên (bình quân 1.000 bầu nấm sẽ thu hoạch được 18-20 kg nấm khô/đợt).

Đưa tai nấm vừa mới thu hoạch lên quan sát, kỹ sư Phan Thị Thu Dung chỉ cho chúng tôi thấy lớp bao tử (hay còn gọi là lớp phấn) phủ trên bề mặt tai nấm và cho biết: Nấm tốt hay không một phần nhờ vào lớp bao tử này (lớp bao tử này còn được dùng làm mỹ phẩm), do đó khi thu hoạch không được để chồng các tai nấm lên nhau và phải phơi hoặc sấy ngay để đảm bảo chất lượng nấm. Kỹ sư Thu Dung cho rằng, việc trồng nấm Hồng chi, Lim xanh cũng khá cầu kỳ và đòi hỏi quy trình chặt chẽ, từ việc làm bầu nấm, khử trùng, cấy phôi nấm, tưới nước… Đầu tiên, phải dùng mùn cưa ủ với vôi trong vòng nửa tháng, sau đó trộn thêm cám gạo, cám bắp rồi đóng vào các bịch ni lông đưa vào lò hấp khoảng 6 giờ để khử trùng. 12 đến 24 giờ sau mới đem phôi giống cấy vào trong bịch ni lông và khoảng 20 ngày sau mới đem treo các bịch nấm lên các sợi dây và phải thường xuyên đo nhiệt độ, độ ẩm trong phòng. Việc trồng, chăm sóc nấm đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, bởi mọi công đoạn trong quá trình đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cũng như chất lượng của nấm. Riêng với nấm Lim xanh do khả năng chịu nóng kém, kỹ thuật chăm sóc cũng khắt khe hơn và thời gian thu hoạch lâu hơn, vì vậy chất lượng, giá thành đều cao hơn so với nấm Hồng chi. Nếu nấm Hồng chi giá bán ra thị trường là 800.000 đồng/kg thì nấm Lim xanh là 1 triệu đồng/kg. Song đây chỉ là bước đầu thử nghiệm nên số lượng nấm thu được chưa nhiều và chưa đủ cung cấp ra thị trường.

Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Hồng Giang, thời gian tới, nhà trường sẽ mở rộng diện tích trồng nấm. Đặc biệt, nhà trường đang phối hợp với một công ty nước ngoài để đầu tư thiết bị, nhà xưởng, dự kiến, khi hợp đồng được ký kết thì diện tích trồng nấm có thể mở rộng lên 1-2 ha, hàng trăm lao động sẽ được giải quyết việc làm và không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đang hướng đến việc nghiên cứu, tự sản xuất phôi nấm thay vì nhập phôi nấm từ Đak Lak, Hà Nội như hiện nay…

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.