Bài 1: Khó quản hoạt động giết mổ gia súc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực trạng giết mổ gia súc tràn lan ở Pleiku đang gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều hệ lụy về vệ sinh môi trường...

Mạnh ai nấy làm

Trên địa bàn TP. Pleiku hiện có khoảng 74 điểm giết mổ gia súc, gia cầm lớn nhỏ và trên 250 quầy sạp bán sản phẩm gia súc, gia cầm tại các chợ, trong đó tập trung nhiều nhất là tại Trung tâm Thương mại Pleiku.

 

  Khoảng 80% lượng thịt heo, bò bày bán ở chợ chưa qua kiểm dịch thú y. Ảnh: Nguyễn Tú
Khoảng 80% lượng thịt heo, bò bày bán ở chợ chưa qua kiểm dịch thú y. Ảnh: Nguyễn Tú

Toàn thành phố chỉ có 1 lò giết mổ tập trung chính thức đi vào hoạt động từ năm 2003 tại tổ 3 (phường Đống Đa) nhưng hoạt động không hiệu quả. Các điểm giết mổ còn lại đều do các hộ gia đình, cá nhân đứng ra hoạt động mang tính chất tự phát và bố trí ngay trong khu vực sinh sống của gia đình. Các hộ tự mua gia súc từ các nơi về giết mổ tại nhà rồi bán sản phẩm đến các điểm kinh doanh tại các chợ trên địa bàn và đi các huyện lân cận như: Chư Pah, Ia Grai, Đức Cơ, Đak Đoa… Có trên 50% số hộ vừa giết mổ gia súc tại nhà vừa tự bán thịt tại chợ.

Theo thống kê sơ bộ, TP. Pleiku mỗi đêm giết mổ chừng 600 con heo, bò. Trung tâm Thương mại Pleiku mỗi ngày tiêu thụ 5-7 tấn thịt tươi, lượng thịt còn lại được phân tán khắp các chợ nhỏ và được “công ty hai sọt” chở đến phục vụ các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, hiện không có “lò” mổ nào được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và chỉ có 1 “lò” được cấp giấy phép hành nghề. Vì thế, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường đang gây ra nhiều bức xúc.

Ông Bùi Hồng Quang-Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku cho rằng: Các điểm giết mổ gia súc nằm rải rác trong khu dân cư, hoạt động giết mổ diễn ra từ 1 giờ sáng trở đi gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát. Điều đó đưa đến tình trạng gia súc chết, bệnh, không rõ nguồn gốc sẽ được lén lút đưa vào giết mổ và chờ cơ hội đưa ra thị trường tiêu thụ là điều khó tránh khỏi.

Nhiều hệ lụy

Hiện nay, Trạm Thú y thành phố chỉ thực hiện công tác kiểm phẩm, chưa quản lý tận gốc các đầu mối cung cấp gia súc và các đầu mối phân phối sản phẩm gia súc. Trong 9 tháng qua, Trạm Thú y thành phố lăn dấu kiểm phẩm được 29.810 con heo và 4.560 con trâu, bò (bình quân 110 con heo và 16 con trâu, bò/ngày), chiếm tỷ lệ 20% tổng số heo, bò thực tế được giết mổ. Điều này có nghĩa là có trên 80% lượng thịt vẫn được người dân mua về hàng ngày chưa qua kiểm phẩm và không ai chắc chắn rằng bên trong thứ thịt đó lại không tiềm ẩn nhiều mầm dịch bệnh nguy hiểm.

Mặt khác, thịt tươi sống hiện bán ở các chợ hoàn toàn không được che đậy cẩn thận hoặc bỏ trong tủ kính hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế, thậm chí có chủ hàng còn lót lá trải thịt trên nền đất. Thực trạng giết mổ, buôn bán thịt gia súc tràn lan không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở TP. Pleiku đang đặt người tiêu dùng trước nguy cơ về ngộ độc thực phẩm.

Ở một khía cạnh khác, tình trạng giết mổ gia súc tràn lan, không có sự kiểm soát đã tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản: Mỗi đêm giết mổ 600 con heo, bò thì thành phố nghiễm nhiên được “tăng cường” thêm chừng 9 tấn chất thải và 300 m3 nước thải cực kỳ dơ bẩn.

Theo quy định, các điểm giết mổ gia súc phải tách rời khu dân cư 50-100 mét; có hầm rút nước và điểm xử lý chất thải; có nguồn nước sạch, tường rào bao quanh, thuận tiện đi lại; gia đình có lò mổ không được nuôi gia súc… Tuy nhiên, các yêu cầu này chưa được chấp hành đầy đủ. Chẳng hạn, ở phường Hội Phú có hơn chục hộ kinh doanh giết mổ, thì con suối chảy qua phường có nhiều đoạn đen ngòm đủ thứ chất thải từ các lò mổ chảy ra, bốc mùi hôi thối.

Đức Phương-Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.