Những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại Diễn đàn nhân dân “Thủy điện miền Trung-Tây Nguyên, quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan” do tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam với sự điều phối của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội phối hợp với Ủy ban MTTQ Tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức tại TP. Huế vào ngày 28-10. Diễn đàn có sự tham gia của gần 100 đại biểu đại diện cho các ban, ngành liên quan và cộng đồng người dân trong khu vực đang chịu những tác động xấu do thủy điện ở miền Trung-Tây Nguyên.

Bà Lâm Thị Sửu-Trưởng ban điều hành tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, thủy điện đóng vai trò rất lớn trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế của đất nước. Không thể phủ nhận rằng năng lượng điện, trong đó có sự góp phần của thủy điện đã đem lại bộ mặt mới cho nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để từ đó giúp người dân có được cuộc sống hiện đại, tiện nghi và thuận lợi hơn.

 

Toàn cảnh diễn đàn nhân dân nhân dân “Thủy điện miền Trung-Tây Nguyên, Quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan”. Ảnh: Bùi Oanh
Toàn cảnh diễn đàn nhân dân nhân dân “Thủy điện miền Trung-Tây Nguyên, Quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan”. Ảnh: Bùi Oanh

Trong những năm gần đây, nhà nước đã có nhiều chính sách liên quan đến việc phát triển thủy điện nhằm đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của nhiều ngành và lĩnh vực của cả nước. Chính vì vậy mà rất nhiều địa phương đã mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng này bằng việc phê duyệt các quy hoạch phát triển thủy điện ở cả cấp Trung ương lẫn địa phương.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh và thiếu đánh giá tác động của các dự án thủy điện đối với môi trường, cảnh quan và xã hội một cách thấu đáo cũng như với những quy trình vận hành chưa hợp lý đã và đang gây ra những hệ lụy cho cả tự nhiên lẫn con người. Đã có nhiều phản ánh về các ảnh hưởng tiêu cực do thủy điện gây ra cho môi trường và các cộng đồng bị tác động do tái định cư, mất đất sản xuất và lũ lụt, hạn hán ở hạ du. Thủy điện không hề rẻ bởi nhiều chi phí môi trường và xã hội liên quan đến các dự án thủy điện đã không được ước tính, đầu tư đầy đủ. Người dân di dời nhường đất cho thủy điện gặp nhiều khó khăn về sinh kế, văn hóa ở nơi tại mới, đặc biệt là đất đai không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, lương thực tối thiểu.

Việc quản trị các công trình thủy điện từ khâu quy hoạch đến vận hành công trình còn nhiều bất cập. Nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường được xây dựng, nhưng không chính xác với thực tế, mà chỉ mang tính thủ tục, đối phó. Các cam kết bảo vệ môi trường hầu như không được thực hiện. Điều này dẫn đến việc cộng đồng dân cư ở khu vực sông có thủy điện, gồm cả người dân sống ở hạ du phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Thế nhưng, tiếng nói của họ chưa được lắng nghe trong quá trình quy hoạch, phê duyệt và thực hiện dự án thủy điện.

 

Đập thủy điện Đak Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ khiến người dân vùng hạ lưu sông Đak Rông đứng ngồi không yên. Ảnh: Bùi Oanh
Đập thủy điện Đak Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ khiến người dân vùng hạ lưu sông Đak Rông đứng ngồi không yên. Ảnh: Bùi Oanh

Trong khi, ông Lê Anh Tuấn-Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ cho biết, khu vực miền Trung-Tây Nguyên có mật độ thủy điện trên các lưu vực sông cao nhất nước (150 thủy điện lớn nhỏ đã và đang triển khai xây dựng). Mặc dù đóng góp gia tăng năng lượng quốc gia là điều không thể phủ nhận, nhưng trong 5 năm trở lại đây, thủy điện đã gây nhiều tranh cãi khi xuất hiện ngày càng nhiều hệ lụy tiêu cực về mặt môi trường, xã hội tác động đến người dân khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Trong đó, thủy điện tạo ra những trận lũ dữ bất thường cho vùng hạ du, gây thiệt hại cho con  người, cuốn trôi hoa màu, gia súc, sạt lở bờ sông, hư hại công trình giao thông, gián đoạn sinh hoạt như trường hợp thuỷ điện A Vương (Quảng Nam) tháng 9-2009; Thuỷ điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) tháng 10-2013. Gây khô hạn nghiêm trọng vùng hạ du, tình trạng thiếu nước sinh hoạt phổ biến, hiện tượng xâm nhập mặn gia tăng, không đủ nước tưới làm nhiều cánh đồng không canh tác được hoặc năng suất kém. Ô nhiễm môi trường gia tăng như Thủy điện Đak My 4 (Quảng Nam) từ 2012 đến nay. Gây hoang mang cho người dân và giảm hiệu quả phát điện, hư hại công trình lân cận thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) từ 2012 đến nay... Có rất nhiều lý giải cho các hệ luỵ này, trong đó nổi bật là khâu khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường và xã hội từ các dự án thủy điện chưa chặt chẽ, đôi lúc rất hình thức. Chủ đầu tư không có nhiều chuyên môn trong thi công và vận hành thuỷ điện, hoặc đầu tư không đúng mức, đặc biệt xem nhẹ các yếu tố môi trường và xã hội mà người dân là đối tượng chịu nhiều thiệt hại và tổn thương nhất. Nhiều cam kết trong đánh giá tác động môi trường không thực thi đúng mức mà thiếu các biện pháp giám sát và chế tài.

Cũng tại diễn đàn này, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển thủy điện bừa bãi không theo một quy hoạch quốc gia thống nhất, dẫn đến rừng bị hủy hoại, các con sông khô cạn, lũ lụt bất thường, kèm theo nhiều rủi ro và nguy cơ đe dọa đời sống của nhiều người dân.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.