Bài cuối: Cần đổi mới và đột phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Quyết định 389/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ được đổi tên gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 thay cho tên cũ là Ban Chỉ đạo 127. Cơ cấu tổ chức cũng thay đổi như: Phó ban Thường trực sẽ do Giám đốc Sở Tài chính đảm nhận và bổ sung thêm một số cơ quan làm thành viên. Hy vọng sự thay đổi này sẽ mang đến nhiều đổi mới, đột phá trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động
 

Ban Chỉ đạo 389 sẽ có nhiều đổi mới. Ảnh: Lê Lan
Ban Chỉ đạo 389 sẽ có nhiều đổi mới. Ảnh: Lê Lan

Ông Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho biết: Hoạt động của Ban trong thời gian tới sẽ có nhiều đổi mới, mang tính chất toàn diện hơn. Trước hết, là đổi mới trong phương thức hoạt động, bởi trước đây chủ yếu tập trung vào công tác “chống” tức là phục bắt, xử lý trong khi đó công tác phòng ngừa mới thực sự quan trọng. Nếu ta làm tốt công tác phòng ngừa sẽ góp phần đưa hoạt động thương mại ngày càng lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển, thúc đẩy nền kinh tế trong nước phát triển ổn định. Qua đó, hàng Việt sẽ dần khẳng định được vị trí trên thương trường.

Đồng thời, công tác tổ chức cũng sẽ kiện toàn lại. Tập trung vào công tác giáo dục về đạo đức, phẩm chất chính trị, nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cán bộ, công chức. Nếu trường hợp nào không đủ năng lực hoặc mất uy tín thì phải thay thế. Ngành chức năng cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương, nhất là ở cơ sở bởi hoạt động gian lận, buôn lậu diễn ra tại cơ sở, nhiều người dân biết nhưng chưa dám tố cáo. Để khuyến khích nguồn tin từ quần chúng nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 sẽ nghiên cứu cơ chế, chế độ cụ thể trong việc hỗ trợ cũng như bảo vệ nguồn tin…

Nâng cao công tác tuyên truyền, phối hợp

 

Đội kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Lê Lan
Đội kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Pleiku.
Ảnh: Lê Lan

Việc bổ sung Ủy ban MTTQ vào làm thành viên Ban Chỉ đạo 389 sẽ góp phần tích cực hơn trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ông Nguyễn Thành Nuôi-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng nên chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền về nội dung và các đối tượng để chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, thương nhân... Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả hiện đang là vấn đề nhức nhối trong nhân dân hay tình trạng tổ chức hội thảo tràn lan hiện nay cũng cần được cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, cấp phép vì nếu không cẩn thận sẽ tiếp tay cho việc lừa mị nhân dân. Thời gian tới, đơn vị sẽ có văn bản hướng dẫn Ủy ban MTTQ các cấp về vấn đề này.

“Cùng với tuyên truyền, Mặt trận còn có chức năng giám sát việc thực thi pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân. Tuy nhiên, thể chế cho việc giám sát vẫn chưa có, vì vậy đơn vị mong muốn chính quyền ban hành thể chế để việc giám sát đạt hiệu quả”-ông Nuôi cho biết thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Dũng thì công tác phối hợp giữa các lực lượng trong thời gian tới sẽ được thắt chặt hơn thông qua quy chế phối hợp, kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể. Riêng vấn đề liên quan đến sự chồng chéo trong công tác kiểm tra, các chế độ hỗ trợ các lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ, đặc biệt là sự công khai, minh bạch công tác bán đấu giá hàng hóa, tang vật tịch thu, Ban Chỉ đạo 389 sẽ có cuộc họp bàn bạc một cách thỏa đáng để tránh trường hợp gây khó cho đơn vị, địa phương, không để lãng phí hoặc thất thoát tài sản đấu giá cũng như hỗ trợ kịp thời, động viên các lực lượng tham gia công tác kiểm tra, kiểm soát.              

 

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.