Bài cuối: Cần hỗ trợ cơ sở hạ tầng, pháp lý để phát triển hệ thống xe buýt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lý do tối ưu để đại bộ phận người dân lựa chọn phương tiện đi lại bằng xe buýt chính là sự thuận tiện, an toàn và chi phí thấp. Vậy để phát triển loại hình vận tải công cộng này, điều quan trọng là làm sao để giảm giá vé cũng như việc đầu tư tốt hơn đối với cơ sở hạ tầng, chất lượng phục vụ…

Ảnh: Lê Lan
Ảnh: Lê Lan

Có thể nói ở bất cứ đề án nào về xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt thì phương án trợ giá luôn được đặt lên hàng đầu và đây cũng chính là vấn đề “nói đi nói lại” ở rất nhiều hội nghị tại tỉnh ta. Thế nhưng, dù đã đưa vào hoạt động 7 năm nhưng thực tế việc trợ giá cho hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt của tỉnh vẫn chưa được quan tâm, chủ yếu vẫn do doanh nghiệp “tự bơi”. Vì thế, xe buýt tại Gia Lai chưa thực sự thu hút người dân do giá vé không tính theo vé lượt mà tính theo vé chặng (tùy đoạn đường dài hay ngắn giá vé khác nhau), trong khi giá vé chặng cao hơn nhiều so với vé lượt ở các địa phương khác (ví dụ: vé xe buýt tại TP. Hồ Chí Minh chỉ từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/lượt, riêng học sinh, sinh viên chỉ 2000 đồng/lượt). Hơn nữa, các chính sách đối với các đối tượng là thương binh, người tàn tật vẫn chưa được quan tâm đúng mức; hệ thống nhà chờ, các điểm dừng cũng ít được đầu tư, nhiều nhà chờ cỏ mọc hoặc để hư hỏng, hoang phế…

Bên cạnh đó, việc tự hạch toán kinh doanh đối với một loại hình vận tải công cộng mang tính công ích khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là  chi phí vật tư, nhiên liệu liên tục tăng cao. Tình trạng “thu không đủ chi” khiến một số tuyến bị cắt bớt chặng đường hoặc bỏ tuyến, thậm chí để tăng thu, có tuyến còn bị “biến tướng” theo kiểu xe đò bắt khách, trả khách vô tội vạ, không đúng nơi quy định hoặc chở thêm hàng…

Theo ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai thì ngoài phương án hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thì tỉnh có thể nghiên cứu đến phương án trợ giá cho các đối tượng đi xe buýt như học sinh, công nhân hoặc cán bộ công chức-đây là đối tượng có nhu cầu đi xe buýt nhiều, thường xuyên, nhất là ở địa phương số lượng cán bộ, công chức đi làm ở các huyện chiếm tỷ lệ không nhỏ. Hoặc có thể lựa chọn những tuyến cần thiết (tuyến nội đô, tuyến đến các khu dân cư, khu công nghiệp…) để trợ giá phù hợp cũng như thực hiện miễn vé với trẻ em và người tàn tật… Có như vậy mới thu hút và tạo thói quen đi xe buýt cho người dân.

Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai, hiện nay trên địa bàn có lượng lớn xe hợp đồng (90 chiếc) dùng để đưa đón học sinh, là loại hình khá phổ biến tại các trường học. Tuy nhiên, tần suất sử dụng những chiếc xe này khá thấp (thông thường xe chạy với tần suất 4 chuyến/ngày) gây lãng phí, hơn nữa việc chạy ít khiến giá vé được tính cao, bình quân từ 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/tháng (tùy theo từng trường cụ thể, giá vé cũng khác nhau). Mở rộng, phát triển hệ thống vận tải công cộng, đồng thời để sử dụng tối đa công suất của loại xe đưa đón học sinh, tỉnh nên đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải xem xét chuyển mô hình xe hợp đồng đưa đón học sinh sang mô hình xe buýt, vì với loại hình xe buýt thì những xe hợp đồng trên có thể hưởng các quy định của Nhà nước về kinh doanh xe buýt, từ đó giá vé sẽ giảm hơn, số chỗ chở khách cũng tăng thêm (xe buýt có thêm chỗ đứng) như vậy sẽ thu hút thêm nhiều học sinh.

Song song với đó, các doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng cần quan tâm đầu tư, cải thiện chất lượng, dịch vụ trên xe buýt tốt hơn; triển khai nhiều hoạt động quảng bá, maketin để thu hút quảng cáo nhằm giảm bớt chi phí, hạ giá thành; tổ chức đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và tuyên truyền giáo dục về đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ...

Về hệ thống cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng cần được hoàn thiện hơn. Chẳng hạn cho phép sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư phương tiện hoặc lãi suất 0% cho các dự án đối với các tuyến có trợ giá từ ngân sách và 3%/năm cho các dự án đầu tư xe buýt khác trong thời gian từ 7 đến 10 năm (tương đương một đời xe). Miễn thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị tham gia khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; sử dụng kinh phí an toàn giao thông tại các địa phương để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ xe buýt…

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.