Nâng cao mức thu nhập cho người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) thì tiêu chí thứ 10 (nâng cao thu nhập cho người dân) là khó thực hiện nhất, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của tỉnh.

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở Gia Lai có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng khang trang hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5 xã đạt 19/19 tiêu chí, 3 xã đạt 15 đến 18 tiêu chí, 32 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 116 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và 29 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân phải gấp 1,5 lần thu nhập bình quân của tỉnh hiện nay. Tại Gia Lai, theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2013, thu nhập bình quân đạt 14,6 triệu đồng/người/năm. Như vậy, nếu một xã đạt chuẩn NTM thì thu nhập người dân của xã đó phải đạt trên dưới 22 triệu đồng/người/năm. Đây thật sự là mục tiêu rất khó đạt đối với các xã trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, phần lớn dân số trên địa bàn tỉnh ta sống ở khu vực nông thôn, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, giá cả nông sản bấp bênh, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn và số đông trong trường hợp này là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn chiếm tỷ lệ khá cao 17,23% nên tiêu chí về thu nhập  thật sự trở thành “chướng ngại vật” khá lớn của các xã nói riêng và toàn tỉnh nói chung trên con đường tiến đến hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM vào năm 2020.

Cố vấn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM Trung ương-ông Lê Huy Ngọ trong chuyến thăm và làm việc tại xã Diên Phú (TP. Pleiku) cách đây chưa lâu khẳng định: Diên Phú là xã miền núi, có xuất phát điểm kinh tế-xã hội thấp, tuy đã đạt chuẩn NTM cuối năm 2013 nhưng đời sống vật chất và tinh thần của đại đa số nhân dân trong xã chưa cao. Về vấn đề nâng cao mức thu nhập cho nhân dân trong chương trình xây dựng NTM, ông Phan Văn Trung-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro nói: Vấn đề có tính cấp bách trong xây dựng NTM hiện nay của huyện là phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là với bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn rất cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, do đó sự đóng góp còn hạn chế, dẫn đến các tiêu chí về thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở, giao thông nông thôn trên địa bàn rất khó thực hiện.

 

Ảnh: Hồng Diệp
Ảnh: Hồng Diệp

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh, 5 xã cơ bản đạt chuẩn NTM thì tiêu chí thu nhập bình quân đầu người đều đạt, còn 45 xã được chọn để đầu tư hoàn thành vào cuối năm 2015 thì chưa có xã nào đạt được tiêu chí này. Do đó áp lực cho các xã là rất lớn. Thực tế từ các xã đã được chọn đầu tư để đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015 cho thấy không phải địa phương nào cũng tìm được hướng đi phù hợp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân. Hầu hết đều là xã thuần nông, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm trên 80%, điều kiện kinh tế còn khó khăn thì việc thu nhập đạt 22 triệu đồng là không hề dễ dàng. Tại Kbang là huyện điểm của cả nước được đầu tư từ nguồn vốn của Trung ương để nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng việc nâng mức thu nhập của người dân nhằm đạt chuẩn NTM cũng là vấn đề khó khăn. Để nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền địa phương đã mạnh dạn đưa các loại giống cây trồng mới vào sản xuất đại trà như trồng cây mắc ca, cao su tiểu điền, nuôi trồng thủy sản... Đây không phải là ngành nghề truyền thống và là thế mạnh để phát triển kinh tế của địa phương.

Xác định tiêu chí thu nhập là khá quan trọng, thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã tập trung các nguồn lực để đầu tư các chương trình, dự án nhằm tăng thu nhập cho người dân. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, ứng dụng tiến bộ trong sản xuất. Với sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp, hy vọng đến khi kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh ta sẽ hoàn thành tiêu chí này để cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.