Đầu tư cho kinh tế cửa khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là khu cửa khẩu kinh tế đường 19 của tỉnh Gia Lai gồm các xã: Ia Kla, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom và thị trấn Chư Ty của huyện Đức Cơ với tổng diện tích tự nhiên 41.860 ha, dân số xấp xỉ 30 ngàn người. Đây cũng là vùng nằm trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, trong đó Cửa khẩu Lệ Thanh nối TP. Pleiku, Gia Lai với thị xã Ban Lung, Rattanakiri, Vương quốc Campuchia đã được Chính phủ quyết định nâng cấp từ cửa khẩu quốc gia lên cửa khẩu quốc tế.
 

  Trụ sở Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh. Ảnh: Thanh Phong
Trụ sở Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh. Ảnh: Thanh Phong

Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, huy động nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại khu trung tâm khu vực kinh tế cửa khẩu. Ngoài nhà máy sơ chế mủ cao su của Tổng Công ty 15 còn có các cơ sở sản xuất, chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Trên địa bàn hiện có hơn 3.000 ha cây hàng năm và gần 10.000 ha cây lâu năm, chủ yếu là cao su, cà phê, điều, đây là vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất của các cơ sở chế biến. Đặc biệt gần đây nhiều nhà đầu tư đã đăng ký triển khai các dự án sản xuất kinh doanh tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế qua cửa khẩu đã có những đóng góp nhất định vào việc giao lưu thương mại, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,2 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 3,1 triệu USD, đến tháng 12-2013 tổng kim ngạch xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đạt 58 triệu USD.

Tiềm lực và kết quả là vậy song việc xây dựng và phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế trên trục đường 19 Đức Cơ trong thời gian qua vẫn còn nhiều yếu kém về tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, về sản xuất công nghiệp, thương mại... Do đó tỉnh Gia Lai xác định mục tiêu xây dựng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trở thành khu kinh tế phát triển toàn diện giai đoạn 2007-2015, là khu đô thị biên giới với chức năng là trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực Tam giác phát triển, phát huy tác dụng lan tỏa đối với các tỉnh trong vùng và các tỉnh Duyên hải miền Trung trong quá trình hội nhập. Cuối năm 2013 tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại khu kinh tế cửa khẩu đạt hơn 230 tỷ đồng, trong đó tại khu trung tâm hơn 188 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu giai đoạn 2011-2015 có tổng mức đầu tư bình quân 100 tỷ đồng/năm và giai đoạn 2016-2020 tăng lên 240 tỷ đồng/năm.

 

  Trụ sở Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh. Ảnh: Thanh Phong
Trụ sở Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh. Ảnh: Thanh Phong

Để đạt được mục tiêu đó, với lợi thế đã nêu trên, giai đoạn tới khu vực kinh tế cửa khẩu cần tập trung đầu tư thâm canh cây công nghiệp dài ngày song song với việc khai thác quỹ đất trống và một phần diện tích rừng nghèo kiệt để mở rộng diện tích cây cao su, cà phê, điều, gắn với công nghiệp sản xuất, chế biến phục vụ xuất khẩu. Điểm nhấn của bức tranh kinh tế giai đoạn này là phải hình thành cho được các tour du lịch, tuyến du lịch nội vùng và liên vùng với các tỉnh Duyên hải miền Trung, TP. Hồ Chí Minh qua hệ thống đường bộ 14, 19, đường Hồ Chí Minh và đường hàng không; xây dựng và phát triển các tuyến du lịch quốc tế với Lào, Campuchia, Thái Lan qua khu kinh tế cửa khẩu, kéo theo sự phát triển tương ứng của các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (làng nghề truyền thống), dịch vụ và thương mại...

Một vấn đề đáng quan tâm là hiện nay đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng còn khó khăn. Không thể xây dựng một khu kinh tế cửa khẩu phát triển mạnh khi mà mặt bằng đời sống dân cư trong vùng còn thấp. Do vậy song song với các chương trình đầu tư về văn hóa-xã hội, cần giúp đồng bào địa phương tổ chức lại sản xuất thông qua công tác quy hoạch đồng ruộng, vườn cao su tiểu điền; cải tạo vườn tạp; phát triển chăn nuôi đại gia súc. Trong tương lai chính nguồn lao động dồi dào tại chỗ sẽ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực của các nhà máy và cơ sở sản xuất, chế biến trong vùng. Đồng thời chính quyền địa phương cũng cần tập trung đầu tư cho giao thông nông thôn, đưa điện lưới và mạng viễn thông đến tận làng, phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và thông tin liên lạc của nhân dân trong vùng.

Triển khai thực hiện có kết quả những vấn đề nêu trên chính là đã tạo một cú huých mạnh vào vùng biên, giúp khu kinh tế trọng điểm này của tỉnh trở thành một điểm nhấn trong khu vực Tam giác phát triển.

Thanh Phong 

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.