Quy trình mới trên đất cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5-10 năm tới tại Tây Nguyên khoảng 140.000-160.000 ha (chiếm trên 20% diện tích cà phê của toàn vùng); trong đó cà phê trên 20 năm tuổi hiện có trên 86.000 ha. Nếu không kịp thời tái canh, chất lượng và sản lượng cà phê của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng sẽ sớm bị ảnh hưởng. Theo ông Nguyễn Đại Ngọc-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai, huyện Ia Grai, thì: Sau 25-30 năm đất đai đã bị bạc màu, chai cứng, cạn kiệt dưỡng chất; mầm bệnh cũng từ đó xuất hiện làm giảm năng suất cây trồng. Hơn nữa, trước kia quy trình kỹ thuật chưa tốt, cây cà phê giờ đây già cỗi nên cho năng suất không cao. Việc nghiên cứu đầu tư vốn và công sức vào tái canh cây cà phê là rất cần thiết.
 

  Ông Nguyễn Đại Ngọc bên vườn cà phê tái canh24 tháng tuổi.  Ảnh: Tú Uyên
Ông Nguyễn Đại Ngọc bên vườn cà phê tái canh 24 tháng tuổi. Ảnh: Tú Uyên

Theo tính toán, để tái canh 1 ha cà phê, các nông hộ và doanh nghiệp cần khoảng 150-200 triệu đồng. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn tự có thì chắc chắn việc tái canh sẽ khó có thể triển khai được. Mặc dù Ngân hàng Nông nghiệp địa phương đã nỗ lực hỗ trợ. Song, theo một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê thì, vốn ngân hàng giải ngân chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Lãi suất cho vay đầu tư tái canh cây cà phê của Ngân hàng Nông nghiệp là 10%, cao hơn so với quy định chỉ 6-7%. Bên cạnh đó, thời gian thu hồi vốn 7 năm được cho là ngắn. Thực tế cho thấy để tái canh cây cà phê thì người dân phải chặt bỏ cà phê già cỗi và không được trồng lại ngay mà phải trồng các cây trồng ngắn hạn trong thời gian 1-2 năm. Giai đoạn từ khi trồng cho đến khi cây cà phê cho thu hoạch mất khoảng 2-3 năm, như vậy toàn bộ thời gian từ 3 đến 5 năm, người dân không có thu nhập.

Trong thực tế, cũng đã có một số doanh nghiệp tái canh cà phê thành công. Điển hình như Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai. Doanh nghiệp này có trên 1.000 ha cà phê, trồng qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó có 300 ha được trồng giai đoạn 1982-1990 hiện đang già cỗi cần được thay thế. Năm 2007, đơn vị được chỉ định làm thí điểm mô hình tái canh cây cà phê. Qua thử nghiệm bằng nhiều mô hình khác nhau, đến nay Công ty này đã tái canh thành công 200 ha, tỷ lệ cây sống đạt 97%, năng suất 4 tấn nhân/ha. Để có được kết quả này, ngoài khả năng tài chính của doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, Công ty còn có sự hỗ trợ nguồn giống và kỹ thuật từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên.

Chia sẻ về những khó khăn và thành công bước đầu, Giám đốc Công ty Cà phê Ia Grai Nguyễn Đại Ngọc cho biết: “Tái canh cà phê hết sức khó khăn về nguồn vốn, nhất là kinh phí chi trả nhân công, phân bón và tiền bảo hộ lao động cho người lao động”. Công ty áp dụng quy trình mới: tập trung nghiên cứu thổ nhưỡng, các loại sâu bệnh hại, diện tích đất không bị bệnh thì cho trồng ngay; nơi nào có mầm bệnh, đất cần cải tạo thì bỏ ra cả 1 năm để cải tạo lại đất nhằm đem lại nguồn dinh dưỡng cho cây trồng. Đây là giai đoạn quan trọng để chuẩn bị trồng mới trên đất tái sử dụng. Mỗi hố đất trồng mới có diện tích 0,8 x 1,2 mét; khoảng cách giữa gốc là 3,5 mét thích hợp cho cây phát triển và sinh trưởng. Đặc biệt, cứ mỗi ha cà phê tái canh sử dụng 40 khối vỏ trấu cà phê thay thế cho phân bò và 1 tấn phân vi sinh. Sau khi cải tạo, trồng và chăm sóc 3 năm thì giao khoán cho người lao động. Nhờ áp dụng phương pháp tái canh “cuốn chiếu”, không đồng loạt nhổ bỏ hết số cây cà phê già cỗi mà chỉ khoanh vùng để đầu tư, đã đảm bảo được thu nhập cho người dân và các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, Công ty có 120 ha cà phê tái canh đã giao khoán trong tổng số 200 ha cà phê có tỷ lệ sống đạt 97%. Trong số đó, hơn 100 ha đã đưa vào kinh doanh. Cây cà phê tái canh theo quy trình riêng cho năng suất 4 tấn nhân/ha, trước đây là 3 tấn. Ông Ngọc cho biết thêm: “Tỷ lệ hạt sản phẩm cà phê tái canh trên sàn 16 (cà phê loại I; độ ẩm tối đa 12,5%, đen vỡ 2%; hạt cà phê không bị mốc, không có mùi vị lạ, không bị lên men...) đạt 80%, trong khi đó cà phê cũ chỉ đạt 50%”.

Là một trong các đơn vị thực hiện thí điểm thành công mô hình này nên Công ty đã đón nhiều đoàn, nhiều lượt các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đơn vị khuyến nông các tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, Kon Tum đến tham quan và học tập mô hình tái canh cây cà phê cho năng suất cao.

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.